Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn, sản xuất thử và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân áp dụng thành công vào điều kiện sản xuất thực tế, góp phần làm thay đổi tư duy của nông dân theo hướng canh tác an toàn, bền vững.
Do đặc thù canh tác lúa 2 - 3 vụ/năm, thời gian đất được nghỉ ngơi giữa các vụ là rất ngắn. Nên việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân hoặc xới vùi rơm rạ sau khi thu hoạch lúa vụ Hè - Thu và Thu - Đông là cách làm phổ biến của phần lớn nông dân sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, khi bị đốt cháy rơm rạ sẽ sản sinh ra các loại khí độc như: Carbon đioxide (CO2), mêtan (CH4), dioxid sunfur (SO2),… gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và môi trường. Bên cạnh đó, việc xới vùi rơm rạ trong điều kiện ruộng ngập nước không những làm phát thải khí mêtan (CH4) mà còn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Quá trình phân huỷ rơm rạ kéo dài, sự phân huỷ hữu cơ không triệt để, lúa giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất, nên năng suất lúa giảm.
Xác định việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp là cách thức sản xuất hài hoà với môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn. Nên vụ Hè - Thu 2024, Trung tâm Khuyến nông xây dựng và triển khai thực hiện mô hình "Ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa và xử lý rơm rạ" quy mô 20 ha trên địa bàn huyện Hoà Bình (10 ha) và huyện Hồng Dân (10 ha). Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả tốt nhất, Trung tâm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thống nhất chọn địa điểm, chọn hộ thực và tiến hành khảo sát, thẩm định diện tích thực tế, đáp ứng tiêu chí mô hình đề ra. Đồng thời hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp bao gồm lúa giống, vi sinh xử lý rơm rạ, phân hữu cơ, phân bón lá vi sinh, phân bón lá sinh học cho các hộ thực hiện kịp thời áp dụng theo tiến độ sản xuất. Sau khi chọn điểm trình diễn trung tâm Khuyến nông tiến hành tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác lúa an toàn; hướng dẫn nông dân cách xử lý rơm rạ trên đồng ruộng, bón phân theo nhu cầu cây lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắt "4 đúng",… Trong quá trình thực hiện cán bộ kỹ thuật của trung tâm Khuyến nông sẽ phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, Hội nông dân xã quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình, để đảm bảo mô hình được thực hiện theo đúng qui trình kỹ thuật.
Ông Hà Duy Đăng - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Hồng Dân nhận xét: "Công tác triển khai thực hiện mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa và xử lý rơm rạ đã được Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu triển khai thực hiện kịp thời, đúng với khung lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp khuyến cáo. Công tác tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ lúa giống, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học,… được thực hiện đúng theo tiến độ mô hình. Hiện tại lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, lúa phát triển tốt. Trong thời gian tới Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại để đảm bảo mô hình được thành công tốt đẹp".
Thông qua mô hình "Ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa và xử lý rơm rạ" khuyến khích nông dân không đốt rơm rạ, không vùi rơm rạ trong điều kiện ngập nước để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, duy trì đa dạng sinh học, đảm bảo tiêu chuẩn bền vững trong sản xuất lúa gạo.
Phần có dấu (*) là thông tin bắt buộc và được hệ thống bảo mật theo quy định của pháp luật hiện hành.