Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới, ngày 29/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh Bạc liêu và các tỉnh, thành phố. Hội nghị trưng bày hơn 170 sản phẩm OCOP từ hơn 60 cơ sở, doanh nghiệp của tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố khác.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố, là dịp để kết nối giữa các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp đầu mối, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh với các chủ thể OCOP của tỉnh. Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, hợp tác phát triển và mở rộng đến với thị trường các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, hướng đến xuất khẩu.
Theo ông Phạm Văn Thiều, việc triển khai chương trình OCOP của Bạc Liêu còn nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường. Các chủ thể phải là người chủ đạo trong việc quảng bá sản phẩm của mình, đưa sản phẩm vươn xa, giúp phát triển và thu lợi nhuận ổn định hơn. Có như vậy, sản phẩm OCOP mới thật sự là lợi thế để phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị, thời gian tới, các sở, ngành địa phương và các chủ thể OCOP cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chương trình OCOP (cấp tỉnh, cấp huyện) và các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; xây dựng Website để tuyên truyền Chương trình và quảng bá các sản phẩm OCOP.
Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh; tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế (Thái Lan, Châu Âu, Nhật Bản), để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Đặc biệt, kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử,... nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP trên thị trường.
Về hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2023 - 2024, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức, tham gia trưng bày và giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh tại 18 kỳ Hội chợ triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cũng hỗ trợ trên 50 lượt cơ sở, doanh nghiệp, Hợp tác xã của tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm (thực hiện chính sách hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng, 50% chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia các kỳ hội chợ triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức); thông tin và hỗ trợ trên 50 lượt doanh nghiệp, Hợp tác xã của tỉnh tham gia các Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh…
Thực hiện Chương trình OCOP "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay, tỉnh Bạc Liêu có 145 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao và 114 sản phẩm đạt 3 sao) cho 69 chủ thể OCOP. Đặc biệt, có 2 sản phẩm muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của tỉnh rất phong phú và đa dạng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về việc mở rộng, kết nối với thị trường tiêu thụ, quảng bá nhãn hiệu; nhất là việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận nguồn vốn để trang bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm....
Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu trao quyết định công nhận 7 sản phẩm OCOP 4 sao. Trong đó, có 1 sản phẩm OCOP công nhận mới và 6 sản phẩm OCOP công nhận lại. Đại diện doanh nghiệp, nhà phân phối, các điểm bán sản phẩm OCOP, sàn thương mại điện tử cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các chủ thể OCOP.
Tác giả: Tào Đạt
Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển