Nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam, đóng góp đáng kể vào nguồn cung thực phẩm và tạo việc làm cho người dân. Trong bối cảnh diện tích đất nuôi trồng ngày càng thu hẹp, việc tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có, đặc biệt là mương vườn, để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả là một giải pháp thiết thực. Nuôi thử nghiệm cá sặc rằn (Trichopoduspectoralis) thâm canh thương phẩm trong mương vườn nổi lên như một mô hình tiềm năng, phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có diện tích mương vườn rộng rãi. Từ cá yếu tố trên, Trung tâm Giống tỉnh Bạc Liêu đã chọn lựa nuôi thử nghiệm cá sặc rằn (Trichopodus pectoralis) thâm canh thương phẩm trong mương vườn để tận dụng phần đất mương, tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, phó Giám đốc Trung tâm Giống tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Từ thực tế sản xuất, nhận thấy phần đất trống mương vườn của hộ dân và tại đơn vị có một số diện tích đất còn phát triển chưa phù hợp, tận dụng chưa hết nên đã nghiên cứu một sốmô hình để có thể tận dụng được phần đất này. Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình đã nuôi thực tế thì nhận thấy cá sặc rằn rất phù hợp với điều kiện nuôi trong mương vườn. Vì đây là loài cá bản địa, cá dễ nuôi, thích ứng và phát triển trong điều kiện môi trường mương vườn, điều kiện thức ăn dễ cung cấp và cá sặc rằn có giá trị kinh tế, được người dân ưa thích do đó Trung Tâm đã chọn đối tượng cá sặc rằn thực hiện cho mô hình này.
Tuy cá sặc rằn dễ nuôi, khả năng thích nghi rộng, song cần phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật nuôi:
- Nên chọn địa điểm xa khu vực ô nhiễm nguồn nước, tránh xa các nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Nước nuôi cần đảm bảo sạch sẽ, không bị ô nhiễm, có độ pH phù hợp (từ 7 - 8,5) và hàm lượng oxy hòa tan cao (>5mg/lít). Khu vực nuôi cần thoáng mát, có ánh sáng tự nhiên, tránh gió lùa mạnh. Để nuôi cá trong mương vườn khâu cải tạo là rất quan trọng, các đầu mương cần được đấp kỷ để tránh tình trạng hao hụt nước, thất thoát cá ra ngoài và các loại thiên địch xâm nhập vào bên trong, cần diệt các loại cá tạp, cá dữ, nạo vét mương để đủ độ sâu mực nước từ 1,2m đến 1,3m để cá phát triển, phơi đáy ao từ 2 đến 3 ngày kết hợp với bón vôi để diệt các mầm bệnh trong đáy mương. Quá trình cấp nước cần chọn nguồn nước đảm bảo, lọc qua lưới để nước được sạch và loại bỏ cá tạp, sử dụng phân hữu cơ kết hợp với vi sinh để gây màu nước, E.M và cám gạo để tạo nguồn thức ăn ban đầu cho mương vườn.
- Chọn cá giống có kích thước đồng đều, khỏe mạnh, hoạt động linh hoạt, không có dấuhiệu bệnh tật. Mua cá giống từ các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng và có chứng nhận kiểm dịch. Trước khi thả giống ra toàn mương vườn cần thuần cá với điều kiện môi trường mới bằng cách nuôi gièo 7 đến 10 ngày.
- Cá sặc rằn là loài ăn tạp, có thể sử dụng thức ăn tự nhiên như rau muống, bèo, lục bình, hoặc thức ăn công nghiệp dành cho cá sặc rằn. Nên cho cá ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, với lượng thức ăn bằng 2 - 3% trọng lượng cơ thể cá. Cách thức: Cho cá ăn bằng cách rải thức ăn đều khắp mặt ao hoặc sử dụng dụng cụ cho ăn chuyên dụng, có thể cho ăn tự nhiên kết hợp với thức ăn công nghiệp dành cho cá có vảy, thức ăn giai đoạn đầu có thành phần 40% đạm sau giảm dần còn 30% đạm, phối trộn thêm vitamin C và men tiêu hoá để tăng sức đề kháng cho cá; mỗi lần cho ăn chia nhỏ các đợt rãi thức ăn vì cá sặc rằn có tính bắt mồi chậm nên ăn lâu vì vậy cần cho ăn chậm, từ từ để cá ăn được nhiều, tạo tiếng động trước ăn để cá có phản xạ có điều kiện khi cho ăn.
- Quản lý ao nuôi, định kỳ kiểm tra chất lượng nước ao nuôi, bao gồm các chỉ tiêu như pH, độ kiềm, độ cứng, hàm lượng oxy hòa tan,amoniac,... Trong quá trình chăm sóc cần định kỳ thay nước 2 lần/tháng lượng 20-30% diện tích mương nuôi, sử dụng vi sinh định kỳ để nguồn nước được sạch.
- Ngoài những lưu ý trên, bà con nông dân cũng cần lưu ý một số vấn đề khác như: Sử dụng vôi bột để khử trùng ao nuôi trước khi thả cá, cung cấp đủ ánh sáng cho ao nuôi, đặc biệt là vào giai đoạn cá con. Tránh cho cá ăn thức ăn ôi thiu, nấm mốc. Ghi chép nhật ký ao nuôi để theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cá.
Mô hình nuôi cá sặc rằn trong mương vườn được triển khai tại Trung tâm Giống được hơn 4 tháng, anh Nguyễn Trí Linh cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống cho biết: Mô hình ứng dụng quy trình nuôi thâm canh và điều chỉnh mật độ mật độ thả là 20 con/m2 thấp hơn so với mô hình nuôi thâm canh ao đất, sau khoảng thời gian nuôi, cá thích nghi tốt với điều kiện mương vườn cụ thể là môi trường nước ổn định, tốc độ phát triển của cá cũng đảm bảo so với dự kiến. Hiện tại cá đạt trọng lượng 33g/con (khoản 30 con/kg) vào lúc 4 tháng tuổi.
Phần có dấu (*) là thông tin bắt buộc và được hệ thống bảo mật theo quy định của pháp luật hiện hành.