Đắk Lắk: Liên kết để sản xuất cà phê bền vững

Đắk Lắk: Liên kết để sản xuất cà phê bền vững

Phản hồi bài viết này!

Để phát triển cây cà phê bền vững, những năm qua nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã mở rộng liên kết vùng trồng với các nông hộ để trồng, sản xuất cà phê chất lượng cao, từ đó tăng thu nhập cho người dân tại địa phương.

Từ hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã và mô hình liên kết sản xuất, việc phát triển các sản phẩm cà phê đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), 4C, Organic… trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều thuận lợi. Đến nay, toàn tỉnh có 10 Hợp tác xã cà phê có sản phẩm được chứng nhận OCOP và nhiều Hợp tác xã đạt được một số chứng nhận quốc tế khác. Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, các Hợp tác xã đã chủ động liên kết cùng người dân, doanh nghiệp để mở rộng quy mô vùng trồng, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ lớn.

Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) đã xây dựng được mối liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao. Cụ thể, hằng năm, Hợp tác xã đã cung cấp hơn 700 tấn cà phê cho Công ty TNHH Dakman Việt Nam để sản xuất, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn Fairtrade (FLO). Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho Hợp tác xã và nông dân.

Từ 48 hộ góp vốn ban đầu, đến nay Hợp tác xã có 97 thành viên và liên kết với 150 hộ dân sản xuất cà phê, phát triển vùng nguyên liệu 441 ha, trong đó có 161 ha được chứng nhận FLO, sản lượng đạt trên 5.000 tấn/năm (bao gồm cà phê chứng nhận, cà phê phân loại, cà phê bột).

Theo nguyên tắc của tiêu chuẩn FLO, các thành viên Hợp tác xã trồng cà phê theo tiêu chuẩn này ngoài được bảo đảm giá bán ổn định còn được bên mua trích lại hơn 440 USD/tấn (lợi nhuận) nhằm tái đầu tư vào vườn cà phê, làm công tác an sinh xã hội...

Nhờ đó, nếu như thời điểm năm 2011, bình quân thu nhập của các thành viên Hợp tác xã là 25 - 30 triệu đồng/ha, thì đến năm 2023 đã tăng lên hơn 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất chế biến cà phê honey, cà phê phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các nhà rang xay.

Hay như Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) thành lập năm 2015 (tiền thân là tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững của Công ty TNHH Dakman Việt Nam), với 90% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi mới thành lập, Hợp tác xã đã tổ chức cho các thành viên, nông dân địa phương thay đổi tập quán canh tác, sản xuất sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, dán tem truy xuất nguồn gốc… để có thể bán sản phẩm với giá cao hơn. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để từng bước hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho vùng cà phê tại xã Ea Tu.

Hiện Hợp tác xã đang liên kết với gần 350 hộ dân trồng cà phê trên địa bàn xã Ea Tu, với tổng diện tích hơn 320 ha. Hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy trình từ chăm sóc đến thu hái, sơ chế, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan… đạt chứng nhận FLO cho bà con nông dân và được Công ty TNHH Dakman Việt Nam tiêu thụ phần lớn sản phẩm cà phê nhân, với giá ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn; lợi nhuận bình quân mỗi thành viên tăng từ 10 - 15 triệu đồng/năm so với những hộ không tham gia vào Hợp tác xã.

Thông qua hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu đã được nhiều khách hàng trong nước và thế giới (như Hà Lan, Nhật Bản, Anh, Pháp…) biết đến và đặt mua. Khi thành viên Hợp tác xã và thành viên liên kết đã dần thay đổi tư duy, nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất cà phê chất lượng cao gắn với chuỗi giá trị, Hợp tác xã dần chuyển từ bán sản phẩm cà phê nhân sang chế biến cà phê bột.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu cho biết, tuy quy mô chế biến nhỏ, đang trong thời kỳ thử nghiệm nhưng sản phẩm cà phê bột của đơn vị được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt và đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Nhờ những mô hình liên kết sản xuất như vậy đã giúp các thành viên Hợp tác xã, nông dân trồng cà phê yên tâm đầu tư sản xuất, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá. Đồng thời, tạo đà để phát triển cà phê bền vững, nâng tầm giá trị cà phê trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện: Thùy DungNguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202405/lien-ket-de-san-xuat-ca-phe-ben-vung-0ba21ac/

Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!