Huyện Krông Pắc được mệnh danh và thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là huyện đầu tiên được công nhận nhãn hiệu tập thể về sầu riêng. Theo báo cáo, toàn huyện hiện có tổng diện tích 8.113 ha, tăng 956 ha so với năm 2023, trong đó, diện tích trồng thuần sầu riêng 1.197 ha, diện tích còn lại trồng xen trong vườn cà phê. Trong tổng diện tích sầu riêng của huyện Krông Pắc có 4.037 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân ước đạt 227,9 tạ/ha. Tổng sản lượng thu hoạch năm 2024 ước tính 92.016 tấn, tăng 11.816 tấn so với năm 2023.
Đến cuối năm 2024 huyện Krông Pắc có 1.158 ha sầu riêng đã được cấp Chứng nhận VietGAP, tăng 256 ha so với cuối năm 2023. Trong năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc đã bố trí kinh phí lựa chọn hỗ trợ đào tạo, kiểm tra đánh giá, cấp Chứng nhận cho 131,3 ha sầu riêng của 5 đơn vị với 124 hộ dân trồng sầu riêng. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản Thủy sản tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo, kiểm tra, đánh giá cấp Chứng nhận cho 125 ha sầu riêng của 2 đơn vị.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ an toàn sinh học từ việc sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, sinh học trong quá trình chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại cây sầu riêng. Áp dụng một số ứng dụng công nghệ để theo dõi lượng nước, lượng dinh dưỡng trong đất và nhu cầu của cây sầu riêng để có kịp thời bổ sung điều tiết nước tưới, bổ sung các loại phân bón và vi lượng đáp ứng cho cây sầu riêng sinh trưởng, chất lượng quả tốt nhất.
Toàn huyện hiện có 37 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu với tổng diện tích 2.053 ha; 13 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu năm 2024, hiện 21 hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu với diện tích 527,6 ha đạt yêu cầu, 9 cơ sở đóng gói đang chờ Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt.
Thời gian vừa qua, các cơ quan chuyên môn đã thực hiện giám sát các mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Qua đó, hướng dẫn các hộ dân kịp thời nắm bắt cập nhật các quy định mới và tuân thủ đúng các yêu cầu đối với vùng trồng. Đồng thời, yêu cầu đơn vị đại diện vùng trồng tuân thủ đúng quy định về quản lý sử dụng mã số vùng trồng, thường xuyên phối hợp với các hộ dân vùng trồng theo dõi, giám sát các loại sinh vật gây hại, góp phần đảm bảo các vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu theo đúng yêu cầu của Cục Hải quan Trung Quốc,tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng.
Năm 2025, huyện Krông Pắc dự kiến phát triển diện tích sầu riêng lên khoảng 9.600, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 4.850 ha, năng suất bình quân khoảng 220 tạ/ha. Sản lượng sầu riêng năm 2025 ước tính 106.700 tấn, trong đó sản lượng sầu riêng được cấp mã vùng trồng ước tính 60.500 tấn, ước đạt 6.400 - 7.500 tỷ đồng. Cuối năm 2025, dự kiến huyện Krông Pắc sẽ có 1.350 ha sầu riêng có chứng nhận VietGAP; 6 - 10 cơ sở đủ điều kiện và được cấp mã cơ sở cấp đông sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết: Mục tiêu lớn nhất của huyện Krông Pắc là xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững, người làm sầu riêng tử tế. Để làm được điều đó, trước hết người nông dân thay đổi thói quen sản xuất cũ để tạo sản phẩm tốt nhất mang ra thị trường.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang xây dựng bản đồ nông hóa để xác định từng loại cây trồng phù hợp từng vùng đất, tuyên truyền người dân không trồng sầu riêng tran lan; ứng dụng công nghệ số, quản lý bằng số hóa để mỗi sản phẩm sầu riêng của địa phương ra thị trường phải có địa chỉ rõ ràng, công khai, minh bạch số liệu lịch sử liên quan đến quả sầu riêng để người tiêu dùng yên tân; khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích mà nâng cao chất lượng, tăng năng suất, sản lượng sầu riêng; đa dạng hóa các sản phẩm sầu riêng, không chỉ sầu riêng tươi, cấp đông, sấy thăng hoa, mà chế biến nhiều sản phẩm khác từ sầu riêng.
Tác giả: Lê Hường
Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển