Hậu Giang: Trồng khổ qua chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả cho hiệu quả kinh tế cao

Hậu Giang: Trồng khổ qua chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả cho hiệu quả kinh tế cao

Huyện Phụng Hiệp có rất nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng khổ qua chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả của hộ ông Võ Văn Đê, cư ngụ ấp Phương An A, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Gia đình ông có 6 nhân khẩu, 3 lao động chính, cuộc sống chủ yếu dựa vào 5.000 m2 đất nông nghiệp, trước đây trồng lúa 2 vụ, thu nhập hàng năm tương đối thấp, sau khi trừ hết chi phí thu về khoảng 30 triệu đồng/2 vụ/năm (Đông Xuân 4 triệu đồng/công, Hè Thu 2 triệu đồng/công). Cộng với các khoảng thu nhập từ việc làm thuê vẫn không đủ chi phí trang trải cuộc sống.

Năm 2023 nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Phương Phú, Trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp và được vựa rau - củ - quả Phong Phương ấp Long Bình 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ bao tiêu đầu ra nên gia đình ông Đê quyết định chuyển 5.000 m2 đất trồng lúa sang trồng khổ qua.

Chi phí trồng được vựa rau - củ - quả Phong Phương hỗ trợ cho hộ ông Võ Văn Đê, đến khi thu hoạch sẽ thanh toán. Cụ thể: Hỗ trợ cho mượn trước 2.000.000 đồng/ công; Cung cấp vật tư làm giàn (dây, lưới …); Cung cấp phân, thuốc bảo vệ thực vật (nếu có nhu cầu).

Khổ qua trồng 45 ngày bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch thường kéo dài từ 30 đến 40 ngày (75 ngày/vụ). Năng suất bình quân 4 tấn/ công.

Ông Đê cho biết với 5.000 m2 trồng khổ qua cần 03 lao động trực tiếp chăm sóc và thu hoạch. Mỗi ngày gia đình ông thu hoạch 400 kg trái, hiện tại với giá bán 7.500 đồng/kg thu về 3.000.000 đồng/ngày. Sau khi trừ hết chi phí ông thu về 35.000.000 đồng/vụ. Mỗi năm gia đình ông trồng 3 vụ khổ qua, so với trồng lúa thì trồng khổ qua lợi nhuận cao gấp 3,5 lần/năm. Đồng thời tận dụng công nhàn rỗi của gia đình làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hoạch toán chi tiết/vụ cho 5.000 m2 trồng khổ qua:

- Tổng chi phí: 70.000.000 đồng, trong đó: Công lao động: 3 người x 75 ngày công (1 vụ trồng) = 225 ngày công x 200.000 đồng/ngày = 45.000.000 đồng; Chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật = 15.000.000 đồng/vụ; Chi phí làm giàn (dây, cây, lưới, …) = 30.000.000 đồng/3 vụ (mỗi vụ 10.000.000 đồng).

- Tổng thu: 105.000.000 đồng, trong đó: Từ trái: 400 kg/ngày x 35 ngày x 7.500 đồng/kg = 105.000.000 đồng.

- Lợi nhuận: 105.000.000 đồng – 70.000.000 đồng = 35.000.000 đồng/vụ.

Hiệu quả từ mô hình trồng khổ qua trên đất lúa của hộ ông Võ Văn Đê không chỉ giúp gia đình ông cải thiện cuộc sống mà còn vươn lên khá giàu.

Thực hiện: Nguyễn A SinNguồn: Trung tâm khuyến nông tỉnh Hậu Giang

Viết bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu!