booked.net booked.net booked.net
Sản phẩm chế biến sâu từ trái bơ
Sản phẩm chế biến sâu từ trái bơ

Lâm Đồng: Nâng giá trị cho cây bơ

Phản hồi bài viết này!

Trà được làm từ lá bơ, dầu bơ tách từ hạt và thịt quả bơ, bột bơ sấy lạnh… rất nhiều giá trị trên trái bơ, cây bơ đã và đang được khai thác, ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm… Và anh Lê Huy Quang vẫn đang trên hành trình giúp những trái bơ quê nhà có thêm được nhiều giá trị.

Là người lớn lên với ký ức từ vườn bơ của mẹ, với anh Lê Huy Quang (thành phố Bảo Lộc), cây bơ hơn cả một loại cây trồng, trái bơ hơn cả một loại nông sản. Chính vì lẽ đó, anh quyết tâm đi tìm một hướng đi khác biệt, giúp xây dựng chuỗi sản phẩm giá trị gia tăng của trái bơ. Vì chỉ khi mọi giá trị của cây bơ được tận dụng, những người nông dân như cha mẹ anh có có thể an tâm theo đuổi giấc mơ của mình, thay vì cứ phải đắn đo mãi khi nghe câu chuyện "trồng - chặt" từ bao người.

Theo anh Quang, đặc tính bơ là loại quả chủ yếu dùng để ăn tươi, khó bảo quản do thời điểm chín tập trung, việc tiêu thụ gặp khó khăn dẫn đến giá thành thấp, chất lượng kém, nên việc nghiên cứu và các sản xuất sản phẩm sau thu hoạch là điều thực sự cần thiết. Mặc dù có lợi thế lớn, nhưng giá trị hàng hóa bơ của trái bơ Lâm Đồng còn thấp do chưa tạo các sản phẩm từ bơ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. "Việc sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ, lá bơ, hạt bơ sẽ giúp tăng giá trị kinh tế của cây bơ, giảm tình trạng nông dân bị ép giá, được mùa mất giá. Đồng thời, trong quá trình sàng lọc cũng không phải loại bỏ những trái bơ có mẫu mã xấu, những trái có kích thước không đạt tiêu chuẩn. Bởi phần lớn những trái bơ được cho là loại 2, loại 3 thì hàm lượng tinh dầu vẫn cao, chất lượng vẫn giữ nguyên", anh Quang cho biết.

Bắt đầu với lý do đó, anh đã tìm tòi những tài liệu liên quan đến việc sử dụng trái bơ trong công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm. Càng tìm hiểu, anh càng bất ngờ bởi những công dụng không ngờ mà nhiều nghiên cứu trên thế giới đã được kiểm chứng. Năm 2020, anh Lê Huy Quang xây dựng dự án Xây dựng chuỗi sản phẩm giá trị gia tăng của trái bơ để tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng và xuất sắc đoạt giải Nhì. Sau cuộc thi, anh bắt tay vào tìm hiểu sâu hơn về dầu bơ. Từ đây, anh Quang thấy rằng dầu bơ chiết xuất từ thịt quả bơ có các thành phần rất giống với dầu ôliu. Tại thị trường Việt Nam cũng đã có đơn vị phân phối sản phẩm dầu bơ nhưng phải nhập khẩu với giá thành cao.

Trong mỗi trái bơ chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Bơ còn là nguồn giàu β- sitosterol giúp giảm cholesterol, lutein có thể ngăn chặn ung thư đại tràng và gluta-thione giúp cơ thể chống lại các chất sinh ung thư. Đặc biệt, hàm lượng dầu trong trái bơ tương đối cao 15 - 30%, ở dưới dạng nhũ dầu nên rất dễ tiêu hóa, cơ thể có thể hấp thu đến 92,8%. Trong dầu bơ có hàm lượng chất béo không bão hòa cao nên tốt cho tim mạch và sức khỏe.

Từ đó đến nay, anh Quang đã nghiên cứu và đưa ra thị trường tinh dầu bơ, trà lá bơ túi lọc, bột bơ. Vùng nguyên liệu anh Quang dùng để nghiên cứu chính là khu vườn đang trồng theo hướng hữu cơ của mình. Sau nhiều lần thử nghiệm, đến nay, hầu hết các sản phẩm đều đạt chất lượng thông qua kiểm định. Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Công nghệ cao Lê's Farm cũng dần nhận được các đơn đặt hàng, nhất là sản phẩm trà bơ. "Điều này nằm ngoài dự tính của chúng tôi. Dẫu biết rằng trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của lá bơ với các thành phần chống oxy hóa mạnh mẽ, polyphenol, flavonoid và terpen, làm cho nó trở thành một trong những loại lá lành mạnh nhất trong tự nhiên. Tuy nhiên chỉ khi trực tiếp dùng thử, khách hàng mới cảm nhận được hương vị cũng như tác dụng của nó", anh Quang chia sẻ.

Theo anh Quang, công ty có lợi thế là khu vực Bảo Lâm, Di Linh nói riêng và cả Lâm Đồng nói chung đều có nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, chất lượng trái bơ và hàm lượng tinh dầu cũng rất cao. Tuy nhiên nếu không thể bán trái bơ tươi khi giá thu mua rẻ, nhiều nông dân lựa chọn đổ bỏ tại vườn. Như năm nay, khi giá bơ chạm đáy, một số vườn không chỉ vứt bỏ mà còn chặt cả những gốc bơ lâu năm để chuyển sang trồng những loại cây khác. Lúc ấy, nguồn nguyên liệu có thể bị thay đổi, thu hẹp lại.

Dẫu vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, anh Lê Huy Quang vẫn tin rằng những sản phẩm từ bơ sẽ vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Nhưng để tiến đến chế biến sâu trái bơ đòi hỏi nhiều thứ hơn bởi bơ rất dễ bị ôxy hóa, cần công nghệ cao, đắt tiền để xử lý. Với quy mô còn hạn chế của mình, anh đang phải hợp đồng gia công sản phẩm tại các đơn vị có hệ thống máy móc đạt tiêu chuẩn, dẫn đến việc giá thành sản phẩm còn ở mức cao khi đưa ra thị trường. "Nếu chúng tôi tìm được công nghệ phù hợp và sản xuất với quy mô công nghiệp thì sẽ cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu. Xa hơn, có thể đưa dầu bơ và các sản phẩm từ bơ trở thành thực phẩm sử dụng hằng ngày trong bữa ăn cũng như cuộc sống của người Việt", anh Quang ấp ủ.


Tác giả: H. Thắm & H. Ly
Nguồn: Báo điện tử Lâm Đồng


Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!