Cây sầu riêng có giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng khác, đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân địa phương. Tuy nhiên, phát triển cây sầu riêng cũng đang đứng trước nhiều thách thức, cần có giải pháp thích hợp để nâng cao chuỗi giá trị, cũng như đảm bảo đầu ra ổn định.
Đạ Huoai là huyện dẫn đầu tỉnh Lâm Đồng về diện tích sầu riêng với gần 5.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 3.501 ha. Năng suất sầu riêng ước đạt 115,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 40.000 tấn. Hiện, giá sầu riêng thu mua tại vườn đối với sầu riêng Ri6 trung bình từ 45 - 50 ngàn đồng/kg và Dona trung bình từ 65 - 70 ngàn đồng/kg. Địa phương có khoảng 800 ha sầu riêng được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ xuất khẩu.
Đơn cử như tại Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M’ri là một Hợp tác xã sản xuất sầu riêng lâu năm tại địa phương luôn định hướng cho nông dân sản xuất sạch, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm sóc sầu riêng đảm bảo chất lượng và hạn chế sâu bệnh hại. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M'ri cho biết, điểm nhấn từ sự thay đổi về đầu ra bắt đầu từ đầu năm 2023, nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa nên xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, giá tốt hơn các năm trước nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Với diện tích trên gần 400 ha cùng 125 thành viên, mùa sầu riêng năm 2024, Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M’ri ước thu khoảng 6.000 tấn, bình quân 1 ha bà con thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác tại địa phương. “Để sầu riêng phát triển bền vững, được các đơn vị bao tiêu với giá ổn định bà con rất chú trọng tới nâng cao chất lượng, tuân thủ các quy trình chăm sóc. Trồng sầu riêng sạch, đảm bảo chất lượng, giữ uy tín là mục tiêu dài hạn của bà con nông dân kể cả đối với sầu riêng xuất khẩu hay nội tiêu trong nước”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ghi nhận các huyện như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên sầu riêng hiện nay đã thu hoạch xong mùa vụ. Riêng các huyện như Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng,... lại đang vào vụ thu hoạch chính. Chuẩn bị vào mùa vụ thu bói với dự kiến đạt 100 tấn sầu riêng trên diện tích 5 ha, anh Nguyễn Thanh Tùng (thôn Đắk Măng, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông) hồ hởi cho biết, dự kiến trung bình mỗi cây sầu riêng anh trồng 5 năm sẽ cho thu bói 1 tạ. Với giá bán tại vườn là 60.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, gia đình anh Tùng dự kiến thu về tiền tỷ cho mỗi ha sầu riêng. Không riêng gì anh Tùng, bà con Nhân dân huyện vùng xa Đam Rông thời gian qua đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó cây sầu riêng đang là cây trồng rất được quan tâm đầu tư, mở rộng diện tích. Trên địa bàn toàn tỉnh, tới đầu năm 2024 có tổng diện tích sầu riêng hơn 20.000 ha, bao gồm diện tích trồng thuần 12.649 ha, trồng xen 7.714,5 ha. Trong đó, diện tích ở giai đoạn kinh doanh 10.844 ha, sản lượng thu hoạch gần 124.000 tấn. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vài năm trở lại đây một số thị trường lớn đang mở cửa đối với các sản phẩm về nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, trong đó có cây sầu riêng. Do đó, định hướng phát triển của nền nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đang cùng xu thế đó, phát triển theo hướng bền vững, tức là canh tác đảm bảo an toàn, an toàn từ người sản xuất đến người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn cho các thị trường để phục vụ xuất khẩu.
Để thực hiện các giải pháp trên, hiện tại nhiều địa phương cũng định hướng phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách) và chỉ thu hoạch sầu riêng khi đảm bảo độ chín, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng,... Ngoài việc định hướng phát triển từ diện tích tới quản lý chất lượng vùng trồng sầu riêng, các cơ quan nhà nước cũng đứng ra thúc đẩy hợp tác công tư, phối hợp các doanh nghiệp tổ chức để thí điểm mô hình trồng sầu riêng bền vững.
Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hướng đến toàn diện bền vững và hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, đối với cây ăn quả, cây đặc sản, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng chuyên canh các giống cây ăn quả và cây đặc sản, kết hợp phát triển mô hình trồng xen giữa cây công nghiệp và cây ăn quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Cụ thể, đến năm 2025, địa phương phấn đấu phát triển thêm 18.500 ha cây ăn quả, trọng tâm là các chủng loại sầu riêng, chuối, bơ, chanh leo..., trong đó tập trung phát triển diện tích trên địa bàn 3 huyện phía Nam đối với cây sầu riêng.
Tác giả: Chính Thành
Nguồn: Báo điện tử Lâm Đồng