Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, XI đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển 4 cây (lúa, chanh, thanh long, rau) và 2 con (con bò, con tôm). Đối với cây lúa, từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000ha tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao năng suất, chất lượng lúa
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa gieo cấy từ đầu năm 2024 đến nay ước đạt hơn 276.381ha, đạt 55% kế hoạch, bằng 102% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đã thu hoạch 225.399,6ha, năng suất (khô) bình quân ước 66,21 tạ/ha, sản lượng trên 1,49 triệu tấn, đạt 51,5% kế hoạch (2,9 triệu tấn), bằng 107,9% so cùng kỳ.
Tại huyện Tân Hưng, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, huyện thực hiện mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Phát (xã Vĩnh Châu B) với diện tích 120ha. Nông dân khi tham gia mô hình được tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác, được hỗ trợ giống, phân hữu cơ vi sinh, chi phí sạ hàng và được Hợp tác xã bao tiêu đầu ra. Từ thực tế triển khai, nhiều nông dân nhận thấy mô hình này tiết kiệm chi phí, năng suất lúa đạt từ 8 - 8,5 tấn/ha (lúa tươi), cao hơn ngoài mô hình từ 1 - 1,5 tấn/ha, qua đó giúp nông dân tăng lợi nhuận thu được. Không chỉ vậy, sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao còn giảm ô nhiễm môi trường, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết, theo kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm 2024, huyện sẽ nhân rộng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Hưng Thạnh, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Thạnh Hưng, với tổng diện tích sản xuất khoảng 11.800ha. Nông dân khi tham gia thực hiện mô hình sẽ được hỗ trợ chi phí mua lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật.
Tại huyện Thạnh Hóa, đến nay, việc ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa đã được huyện triển khai hơn 3.662ha, đạt 103% chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, để triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa mang lại hiệu quả, thời gian qua, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người dân. Ngoài ra, huyện còn đầu tư nhiều công trình nạo vét kênh, mương, phát triển hệ thống bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng liên kết sản xuất,...
Trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, huyện thực hiện mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa tại Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Thương mại Nông nghiệp 4.0 (xã Thạnh Phước), với tổng diện tích thực hiện 126,6ha, giống lúa được sử dụng trong mô hình là giống lúa nếp IR4625 và giống lúa OM18. Tham gia mô hình, nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, với lượng giống gieo sạ từ 80 - 120kg/ha; khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học; sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ, không đốt rơm rạ và các kỹ thuật đồng bộ khác để giảm phát thải khí nhà kính,...
Ngoài ra, khi tham gia mô hình, nông dân còn được hỗ trợ 30% chi phí giống lúa, phân hữu cơ vi sinh, phân urê thế hệ mới, với tổng chi phí được hỗ trợ khoảng 4 triệu đồng/ha. Trong quá trình sản xuất, nông dân còn được tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác lúa theo hướng VietGAP; áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình canh tác lúa "1 phải, 5 giảm", "1 phải, 6 giảm".
"Qua đánh giá mô hình, năng suất lúa trung bình đạt khoảng 8 tấn/ha, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình từ 100 - 500kg/ha, giá cả đầu ra từ 7.800 - 8.000 đồng/kg bằng so với ngoài mô hình. Lợi nhuận tuy chênh lệch không nhiều so với ngoài mô hình nhưng thông qua mô hình nhằm hướng cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, từ đó tiếp tục nhân rộng diện tích trong vùng quy hoạch lúa ứng dụng công nghệ cao, tạo thị trường lúa hàng hóa lớn an toàn, đạt chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu" - ông Nguyễn Kinh Kha cho biết.
Vựa lúa lớn thứ tư Đồng bằng sông Cửu Long
Long An hiện là địa phương đứng thứ tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Hiện toàn tỉnh có hơn 50.300ha lúa ứng dụng công nghệ cao (kế hoạch là 60.000ha); trong đó, có hơn 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích nông dân và doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận các thành tựu khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ 4.0 để ứng dụng vào sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: "Ngành Nông nghiệp tỉnh xác định thời gian tới tiếp tục tuyên truyền, giúp nông dân từng bước thay đổi nhận thức và chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song đó, ngành tiếp tục hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản; tập trung chuyển đổi số và đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao".
Có thể nói, qua triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, nông dân thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch,... Qua đó, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh ngày càng được mở rộng, năng suất và chất lượng lúa ngày càng được nâng cao.