Trong khi nhiều nông dân lao đao vì giá nông sản bấp bênh trước những biến động bất lợi của thị trường thì các hợp tác xã và nhiều nông dân vẫn có lợi nhuận ổn định nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Điều này cho thấy, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thanh long là hướng đi đúng đắn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mang lại hiệu quả kinh tế
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: "So với trước khi tham gia mô hình thuộc vùng Đề án thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, nông dân thay đổi tích cực trong sản xuất thanh long. 100% hộ dân trồng thanh long không còn sử dụng phân gà tươi để bón cho cây trồng, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, liều lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hợp lý giúp giảm lượng phân hóa học 10 - 15%, giảm chi phí đầu tư sản xuất và tăng lợi nhuận 15 - 20% so với trước đây".
Các hộ dân khi tham gia mô hình thường xuyên được tập huấn và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các hộ còn được trang bị kiến thức và hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, chi phí đầu tư giảm từ 10 - 20%, hiệu quả kinh tế tăng từ 15 - 25% so với ngoài mô hình.
"Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời, mở rộng quy mô vùng trồng đạt chuẩn để bảo đảm sản lượng và chất lượng. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương, vùng trồng thanh long chất lượng cao sẽ trở thành thương hiệu mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững nền nông nghiệp của tỉnh" - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm.
Trước đây, gia đình ông Võ Văn Bé (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) làm nhiều việc từ chăn nuôi đến trồng lúa nhưng không hiệu quả. Thấy địa phương có trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác nên ông quyết định chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng thanh long ruột đỏ.
Để đạt năng suất cao, ông Bé tích cực tham gia các lớp tập huấn và chịu khó nghiên cứu, tìm tòi các công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả. Toàn bộ vườn thanh long của ông hiện nay đều ứng dụng công nghệ số trong điều khiển hệ thống tưới nước và xông đèn thanh long.
Ông Bé nói: "Với gần 1ha thanh long, trước đây, mỗi lần kéo ống tưới nước tốn công gần 1 ngày. Từ khi áp dụng hệ thống điều khiển tưới nước tự động, chỉ khoảng 2 giờ là tưới xong, tiết kiệm 80% công lao động. Xông đèn cũng vậy, trước kia, do cầu dao điện ở giữa vườn thanh long, mỗi khi vào mở rất bất tiện, nhất là lúc trời mưa, bão rất nguy hiểm. Hiện nay, tôi sử dụng điện thoại điều khiển xông đèn nên bảo đảm an toàn".
Bên cạnh đó, ông Bé mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thuộc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành. "Từ lúc tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, thay vì sử dụng phân chuồng tươi, tôi chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, tiết kiệm điện và lượng nước sử dụng, từ đó giảm đáng kể chi phí sản xuất. Trung bình mỗi năm, tôi có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng" - ông Bé nói thêm.
Hướng đến phát triển bền vững
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tình hình sản xuất thanh long ổn định và đang dần hồi phục diện tích. Đến nay, diện tích trồng thanh long đạt 7.056,03ha. Năng suất bình quân 280 tạ/ha, sản lượng bình quân 197.569 tấn.
Tổng chi phí đầu tư giai đoạn kinh doanh xông đèn khoảng 92 triệu đồng/ha. Với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg thanh long, tổng thu 180 triệu đồng/ha (12 tấn/ha/đợt xông đèn), lợi nhuận 88 triệu đồng/ha. Tuy nhiên cũng có thời điểm giá thanh long xuống thấp, xông đèn không đạt năng suất, nhiều vườn thanh long huề vốn.
Thời gian qua, giá thanh long trái vụ dao động ở mức tương đối khá, mang lại lợi nhuận cho người dân. Tình trạng phá bỏ vườn thanh long vì thế giảm đáng kể, diện tích trồng mới tăng lên. Nhờ áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh hiệu quả, cây thanh long phát triển tốt. Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao được tập trung thực hiện, đến nay đạt 5.535,57ha.
Ngành Nông nghiệp huyện không ngừng khuyến khích nông dân tham gia các Hợp tác xã để tiếp cận khoa học - kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra ổn định cho trái thanh long, đặc biệt là thanh long ruột đỏ - một trong những loại thanh long có giá trị kinh tế cao.
Giám đốc Hợp tác xã Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) - Trương Minh Chung cho biết: "Toàn Hợp tác xã có hơn 50ha thanh long với hơn 60 thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm đầu ra ổn định. Trồng thanh long cần có sự tổ chức sản xuất hợp lý theo hình thức tổ hợp tác, Hợp tác xã cùng thực hiện theo quy trình và giám sát lẫn nhau để có sản lượng đáp ứng yêu cầu".
Ngoài ra, Hợp tác xã Long Hội còn mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long bằng cách vừa xuất khẩu sang các nước, vừa cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước. Điều này giúp đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Vạn Thành (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) - Nguyễn Vạn Thành, để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, ông thành lập nhóm gồm 30 thành viên và liên kết 100 thành viên của Hợp tác xã để ghi chép sổ nhật ký trồng trọt cụ thể. Qua đó, người trồng nắm rõ và điều chỉnh lượng phân bón phù hợp, tránh tình trạng dư thừa. Từ đó đúc kết kinh nghiệm, đánh giá được hiệu quả của từng loại phân bón sử dụng.
"Để tăng thu nhập, Hợp tác xã tạo điều kiện cho công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân, cho phép nông dân tự chủ trong chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và vận chuyển nông sản,... Điều này giúp giảm chi phí trung gian, bảo đảm lợi ích cho cả nông dân và công ty, doanh nghiệp" - ông Nguyễn Vạn Thành cho biết.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành tiếp tục phối hợp các ngành chuyên môn tập trung hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP qua tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu, xây dựng mã số vùng trồng. Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục làm "cầu nối" kết nối nông dân với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định.
Tác giả: Minh An, Tuệ An
Nguồn: Báo điện tử Long An