Khoảng 2 tuần trở lại đây, giá lúa đột ngột tăng cao, hiện ở mức từ 8.700 - 9.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi thu hoạch lúa. Tuy nhiên, nhiều nông dân tiếc nuối vì đã nhuận tiền cọc bán lúa với mức giá thấp hơn giá hiện tại từ 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 90.489ha lúa Hè Thu 2024, năng suất khô ước đạt 6,13 tấn/ha, sản lượng 555.093 tấn. Nông dân tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đang tất bật thu hoạch.
Theo ghi nhận, giá lúa Hè Thu 2024 đang tăng mạnh khiến nông dân rất vui mừng, phấn khởi. Song, bên cạnh đó cũng có không ít nông dân tiếc nuối vì đã nhận tiền cọc với giá thấp.
Ông Nguyễn Văn Cương (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) nhận cọc của thương lái từ khi 2ha lúa (giống OM18) của gia đình ông vừa được 60 ngày tuổi với giá 7.500 đồng/kg.
Hiện giá lúa OM18 đã tăng từ 1.200 - 1.500 đồng/kg so với thời điểm nhận cọc. Không chỉ có ông Cương mà nhiều nông dân trong khu vực cũng chung tình cảnh này.
Anh Nguyễn Thanh Hải (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) chia sẻ: "Lúc thương lái đưa ra mức giá 7.400 đồng/kg (lúa OM18) thì giá lúa ngoài thị trường chỉ từ 7.200 - 7.300 đồng/kg. Tôi và nhiều nông dân xung quanh thấy có lời nên đồng ý nhận cọc, đâu ai biết trước giá lúa sẽ tăng như thế này".
Theo nhiều nông dân đang thu hoạch lúa, sau khi thỏa thuận, nhiều hộ được thương lái tăng giá thu mua lúa thêm 500 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nông dân càng tiếc nuối hơn khi năng suất lúa vụ này đạt khá cao, hầu hết đều đạt hơn 6 tấn/ha (tăng từ 1 - 2 tấn so cùng kỳ các năm trước).
Chỉ khác nhau về thời điểm nhận tiền cọc mà hiện trên cùng 1 cánh đồng, giá lúa đã chênh lệch từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Theo đó, lợi nhuận cũng chênh lệch từ 8 - 13 triệu đồng/ha.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ đã đưa nông dân vào thế bị động. Việc mua bán "lúa non" hầu hết đều do thương lái và nông dân tự thỏa thuận.
Thời gian qua, không ít trường hợp thương lái và nông dân "bẻ kèo" khi giá lúa tăng hoặc giảm. Do đó, nông dân cần cân nhắc kỹ trước khi nhận tiền cọc để tránh thiệt thòi khi giá lúa biến động bất ngờ.
"Bẻ kèo" trong thu mua nông sản đã đặt ra yêu cầu về liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm cân đối lợi ích giữa các bên. Nông dân cần liên kết sản xuất, tham gia hợp tác xã, ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản rõ ràng với doanh nghiệp để bảo đảm lợi ích lâu dài.