Năm 2004, Pháp lệnh giống ra đời, đến năm 2018, Quốc hội phê duyệt Luật Trồng trọt, trong đó có quy định về giống cây trồng. Nội dung chủ yếu là bảo tồn nguồn gen, chọn tạo giống mới, sản xuất giống và bảo hộ giống cây trồng mới. "Việc tạo ra giống mới đã khó nhưng việc chuyển giao nhanh giống mới vào sản xuất mới là việc làm cấp bách và cần thiết hiện nay" GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nhận định.
Ngày 05/11/2024 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Hội Giống cây trồng Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất" nhằm phổ biến kiến thức về giống cây trồng, nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất.
Thời gian qua, Hội Giống cây trồng Việt Nam đã hỗ trợ người dân đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều giống cây trồng mới có giá trị cao đã được chuyển giao vào sản xuất như: các giống lúa chất lượng: ST24, ST25, TBR225, ĐH12, Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8; IRI352, N97, N98, OM4900, OM5451, OM4218, OM18, RVT, CNC11, BĐR57, BĐR999; các giống cây ăn quả: cam, bưởi da xanh, nhãn, sầu riêng Ri6, bơ, xoài,... ; các giống cây công nghiệp: cà phê (TR4, TR6, TR9, TR11 và TRS1), chè (LDP1, LDP2, PH1, PH8, San tuyết), hồ tiêu...; đến các giống rau, haa: cà chua (HT 42, HT144, HT160), dưa chuột (CV29, PC4), hoa cúc chùm (C07.7, C07.24),…
Nhận định về ngành giống cây trồng nước ta, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Công tác chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào giống cây lương thực (lúa, ngô), các loại rau, hoa, cây cảnh và một số loại cây ăn quả... ít được lựa chọn. Đối với cây lâm nghiệp, mới tập trung vào việc tuyển chọn giống cây nhập nội; ít chú ý đến việc cải tiến giống cho cây bản địa, cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ… Hệ thống sản xuất hạt giống và cây giống ở mức quy mô công nghiệp còn hạn chế. Kỹ thuật hạt giống và công nghiệp hạt giống chưa đủ mạnh. Tỷ lệ sử dụng giống đạt tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất lúa ở ĐBSCL chỉ đạt 40%, ở ĐBSH đạt khoảng 60%.
Mục tiêu đến năm 2030, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ cây giống, hạt gống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo GS.VS. Trần Đình Long, để làm tốt công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất đòi hỏi tập trung một số yếu tố như: Tập trung nghiên cứu cơ bản, ưu tiên bảo tồn nguồn gen, nguồn vật liệu cho công tác chọn tạo giống; kết hợp phương pháp chọn tạo giống mới bằng phương pháp hiện đại kết hợp với truyền thống; sản xuất cần gắn liền với doanh nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hạt giống; trong thương mại hạt giống, ưu tiên bảo hộ giống và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng; đẩy mạnh liên kết các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và nông dân…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và tích cực, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ cây giống, hạt gống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tác giả: Ánh Nguyệt
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia