Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Ninh Phước đã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, nông dân, hỗ trợ thành viên tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn đinh cho sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho thành viên.
Trước thực tế nông dân có thói quen sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự kết nối giữa sản xuất và doanh nghiệp trong tiêu thụ, chưa bắt kịp với thông tin định hướng thị trường dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, vì vậy, thời gian qua, nhiều hợp tác xã trên địa bàn huyện Ninh Phước đã tích cực vận động các hộ thành viên liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch... nhằm nâng cao giá trị hàng hóa cho nông dân.
Một trong những đơn vị đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao tại địa phương là hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu). Những năm qua, hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp Nhà máy Kim Xuyến để cung ứng giống lúa và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ cho biết: Đơn vị liên kết với Nhà máy Kim Xuyến trong sản xuất lúa cung ứng giống lúa, phân bón, khi thu hoạch còn được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn từ 300 - 500 đồng/kg so với thị trường. Đồng thời, giúp cho các hộ thành viên của hợp tác xã duy trì được mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, đưa cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Nhờ đó, tạo cơ hội lớn cho nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước tạo ra mối quan hệ gắn bó ổn định giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân. Đây là điều kiện để hợp tác xã xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Đối với hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh), hơn 10 năm nay, thông qua hợp đồng liên kết sản xuất bắp giống giữa Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Giống cây trồng Đông Nam để sản xuất bắp giống và bao tiêu sản phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Với hình thức này các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên. Đồng thời, trong quá trình sản xuất còn cử cán bộ xuống tận đồng ruộng hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Ông Lê Phúc Hoa, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước An cho biết: Liên kết sản xuất không chỉ giúp bà con được bao tiêu sản phẩm mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác được tiềm năng đất đai, giúp duy trì sản xuất. Với hợp tác xã đây được coi là tiền đề để thực hiện chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản.
Qua quá trình sản xuất cho thấy liên kết hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa chủ lực, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhiều hợp tác xã đã áp dụng các mô hình tiên tiến vào sản xuất, từ đó hình thành được các mô hình liên kết trong sản xuất chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làm cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khắc phục được những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún. Qua đó, giúp thành viên thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất để từ đó ngày càng chủ động tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đồng thời, các hộ thành viên còn được hỗ trợ về chính sách, định hướng cây trồng; được doanh nghiệp hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, thu mua với giá cả ổn định. Nhờ có sự liên kết, đến nay đã có 16 hợp tác xã trên địa bàn huyện đã thu hút được một số đơn vị liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như hợp tác xã Phước An và Phước Thiện liên kết sản xuất bắp giống với Công ty TNHH Sản xuất hạt giống CP Việt Nam, Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Giống cây trồng Đông Nam; doanh nghiệp Tiên Tiến liên kết với hợp tác xã Tuấn Tú sản xuất và bao tiêu măng tây xanh cho các hộ; Công ty Linh Đan liên kết với các hộ dân xã An Hải và Phước Hải trồng măng tây xanh; hợp tác xã Trường Thọ, hợp tác xã Như Bình... liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất lúa; mô hình liên kết trồng nho, táo sạch ở xã Phước Thuận, Phước Vinh...
Đồng chí Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước cho biết: Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất lớn trong cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện. Vì vây, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; tập trung hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã đầu tư nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã và nông dân thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết các chuỗi sản phẩm; vận động các hợp tác xã tiếp tục làm cầu nối liên kết theo chuỗi trong sản xuất giữa nông dân với các doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.