Trên cơ sở triển khai nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, huyện Ninh Sơn đang từng bước hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế góp phần nâng cao năng suất, giá trị cây trồng trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: Huyện đã ban hành kế hoạch về Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có thế mạnh của địa phương. Bước đầu, ngành nông nghiệp huyện đã quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực. Từ đó, hình thành, mở rộng diện tích canh tác được chứng nhận hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi như: Điều, cây ăn quả, bò, dê, cừu và heo bản địa. Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ chuyển đổi sang trồng trọt, sản xuất hữu cơ khoảng 1.716ha và chăn nuôi hữu cơ là 2.040 con, đến năm 2030 sẽ đạt 1.720ha cây trồng, chăn nuôi khoảng 2.100 con.
Để đạt được mục tiêu này, Ninh Sơn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tính đến nay, toàn huyện có 218 hộ sản xuất VietGAP với diện tích 192,15ha và 96,5ha các sản phẩm được cấp mã số vùng trồng gồm: Chanh không hạt, măng tây xanh, nho, táo,... Nhìn chung, các trang trại ứng dụng công nghệ cao dần mở rộng về số lượng, quy mô với 20 trang trại có tổng diện tích 113,85ha, tăng 11,6% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 32,64%. Qua đó, đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác bình quân đạt 106,6 triệu đồng/năm, tăng 3,3% so với năm 2022. Riêng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 872 triệu đồng/ha, góp phần giải quyết lao động việc làm nông thôn cho trên 450 người có thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người mỗi tháng. Năm 2023, thông qua mô hình tưới nước tiết kiệm, huyện đã hỗ trợ cho hơn 139,84ha cây trồng chuyển đổi hiệu quả với số tiền trên 2,7 tỷ đồng.
Là một trong những hộ đầu tiên theo đuổi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, anh Nguyễn Đình Trí ở thôn Đắc Nhơn 3 (xã Nhơn Sơn) xây dựng nhà màng công nghệ cao với diện tích 2.500m2 để trồng các giống nho mới, đặc biệt là giống nho ngón tay đen không hạt NH04 - 102 từ sự chuyển giao của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Cùng với việc thiết kế nhà màng công nghệ cao, anh Trí đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, qua đó, việc tưới nước, bón phân cho cây đều được thực hiện thông qua hệ thống này. Anh chia sẻ: Giống nho mới NH04 - 102 cho năng suất cao gấp 6 lần so với giá nho đỏ Cardinal, gấp 4 lần giống nho xanh NH01 - 48. Với sản lượng 2 sào đạt từ 2 - 2,5 tấn, giá bán dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, người nông dân có thể thu về mỗi sào hơn 400 triệu đồng/năm.
Còn tại trang trại nông nghiệp của Công ty Cổ phần Nắng và Gió ở xã Mỹ Sơn hiện có diện tích 50ha nông sản gồm: Dưa lưới, nho, táo, nha đam,... Ngay từ những ngày đầu khi mới thành lập, công ty luôn chủ trương trồng nông sản tự nhiên theo quy trình hoàn toàn hữu cơ, không hóa chất, không thuốc bảo quản, đạt chuẩn GlobalGAP an toàn chất lượng, đồng thời minh bạch nguồn gốc. Đại diện công ty cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi luôn hướng đến cộng đồng. Đầu tiên là các sản phẩm sạch về nông nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương. Tiếp đến là hướng đến liên kết với nông dân để lan tỏa nhiều hơn về phương pháp nông nghiệp tự nhiên, sản xuất nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe cộng đồng để cùng nền nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.
Đến nay, toàn huyện Ninh Sơn có 9 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, và duy trì mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 450ha. Mặc dù các mối liên kết sản xuất trên địa bàn được thiết lập và duy trì, tuy nhiên qua đánh giá thực tế cho thấy vẫn còn ít và hạn chế so với tiềm năng của địa phương, nhất là các cá thể, hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ khó cạnh tranh lâu dài nếu làm đơn độc. Bên cạnh đó chi phí đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá lớn. Do đó, giai đoạn 2024 - 2025, trên cơ sở bám sát các giải pháp trọng tâm đề ra, huyện Ninh Sơn tiếp tục kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào khâu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng bằng cách đa dạng hóa sản phẩm hữu cơ như chế biến các món ăn, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc dược liệu,... Mặt khác, tăng cường đào tạo, tập huấn đối với doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức các cấp làm công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời chú trọng hơn nữa đến công tác nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là nghiên cứu chọn tạo các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế.