Đến phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa gặp chị Nguyễn Thị Nga là một trong những người đầu tiên ở địa phương đưa cây sắn dây vào trồng với quy mô nửa sào đất (250 m²). Với 1 m² trồng 04 gốc, diện tích 250 m² chị trồng khoảng 1.000 gốc. Chị Nga cho biết nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên mỗi gốc sắn dây sẽ cho từ 04 - 05 kg củ tươi, thu được trung bình 01 kg tinh bột sắn dây. Giá bán củ tươi từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, còn chế biến thành tinh bột thì có giá từ 200.000 đồng/kg, sau khi trừ hết mọi chi phí chị lãi khoảng 40 triệu đồng cho 250 m², Ngoài ra chị còn tận dụng xác bã sắn dây đem phơi khô để dự trử làm thức ăn cho gia súc.
Theo đánh giá của chị Nga, sắn dây là một loài cây dễ trồng, có thể trồng tận dụng ở các vùng đất ven kênh mương, sát hàng rào. Ngoài việc trồng trên ruộng được đánh luống hoặc lên ụ nổi, nông dân còn dùng bao xi măng để trồng.
Theo ông Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Vinh cho biết hiện nay trên địa bàn phường có khoảng 2 ha sắn dây. Đây là loại cây dễ trồng, không kén đất, đặc biệt rất phù hợp với đất cát pha; chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh. Tuy nhiên do là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao, ngoài chăm sóc thì khâu đắp luống, làm giàn cần phải đặc biệt quan tâm. Về kinh nghiệm trồng, ông Trí chia sẻ luống trồng sắn dây phải to, đảm bảo cho củ sắn dây phát triển, đất phải mới, càng tơi xốp thì củ càng to. Ông đắp đất thành từng luống nổi cao 0,5 - 0,8 m, mỗi luống cách nhau 0,5 m. Đất trồng sắn dây trước khi đắp thành luống được trộn đều với phân chuồng. Bên trên luống có thể dùng trụ bê tông hoặc cọc tre và lưới ni lông để làm giàn cho sắn dây leo. Khi cây phát triển leo lên giàn và bắt đầu tạo củ thì ngừng bón phân, tập trung tưới nước. Giàn phải đủ cho dây sắn leo, thường xuyên cắt tỉa nhánh dây, tránh hiện tượng dây sắn trên giàn quá dày dẫn đến quang hợp kém. Đặc biệt không để dây sắn chạm đất, vì sắn dây sẽ đâm rễ tạo gốc mới dẫn đến giảm năng suất, cho hiệu quả không cao. Trong quá trình trồng cần tưới giữ ẩm cho cây, giai đoạn gần thu hoạch có thể bón thúc thêm 1 - 2 kg kali/gốc, chia làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Về thời vụ trồng, nên bắt đầu trồng từ tháng giêng đến tháng 2 âm lịch để cây có thời gian tích lũy tinh bột cao nhất, trồng được 10 - 12 tháng thì thu hoạch. Thời điểm thu hoạch củ sắn dây tốt nhất là khi cây chuẩn bị rụng lá trên giàn, vì đây là thời điểm cây tích lũy hàm lượng tinh bột cao nhất và phải thu hoạch xong trước khi cây mọc mầm trở lại vì lúc này củ sắn dây sẽ không lớn thêm nữa mà tinh bột trong củ sẽ quay trở lại để nuôi cây. Về giống sắn dây, thay vì sử dụng giống sắn dây địa phương, nên sử dụng giống sắn dây lai, ông Trí cho hay.
Củ sắn dây sau khi thu hoạch về có thể được bán tươi hoặc chế biến thành bột sắn dây. Để chế biến tinh bột, củ sắn dây sau khi lấy từ vườn về được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào máy xay. Sắn dây sau khi xay nhuyễn sẽ chuyển qua công đoạn lọc trên vải thưa cùng nước để loại bỏ bã. Qua nhiều lần lọc như thế, người làm thu được nước bột lọc tinh có màu trắng đục. Sau khi thay nước liên tục trong nhiều ngày, bột sắn sẽ lắng ở phía dưới, chắt bỏ phần nước trên bề mặt để thu tinh bột sắn ướt. Phần nguyên liệu này sau khi đem phơi hoặc sấy khô sẽ cho ra bột sắn dây thành phẩm (4 - 5 kg củ thu được 1 kg tinh bột).
Nhân vật trong bài viết: Nguyễn Thị Nga.
Địa chỉ: Phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Số điện thoại: 0387029873.
Tác giả: Huỳnh Văn Viên
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên
Phần có dấu (*) là thông tin bắt buộc và được hệ thống bảo mật theo quy định của pháp luật hiện hành.