Đưa chúng tôi đi thăm những ruộng củ đậu rộng bát ngát, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa cho biết: Những cây trồng truyền thống trước đây thường vướng vào vòng luẩn quẩn do giá cả bấp bênh, được mùa, mất giá, được giá mất mùa nên xã có chủ trương luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao.
Là một xã có địa hình đồi thấp, nóng ẩm và mưa nhiều, điều kiện tự nhiên của xã Hòa Quang Bắc được đánh giá là khá phù hợp với phát triển cây củ đậu (có nơi còn gọi là cây sắn nước). Toàn xã Hòa Quang Bắc hiện có gần 7 ha trồng củ đậu. Ưu điểm của củ đậu là dễ trồng, ít sâu bệnh nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có thể trồng được nhiều vụ trong năm và thích hợp với nhiều vùng đất khác nhau. Cây củ đậu có quy trình canh tác đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi ghé lại ruộng nhà cô Nguyễn Thị Vẽ, cô chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm trồng cây củ đậu khi cô đang cắt, tỉa ngọn, cô Nguyễn Thị Vẽ cho biết: Ban đầu, người dân không biết gì về kỹ thuật trồng củ đậu, chủ yếu là do đại lý cấp giống hướng dẫn từ làm đất đến chăm sóc, thu hoạch. Nhưng sau 1 - 2 năm trồng, bà con cũng bắt đầu tích lũy được kinh nghiệm. Cây củ đậu dễ trồng nên từ vài hộ trồng đầu tiên, đến nay đa số hộ trong xóm đều trồng củ đậu. Hộ trồng ít nhất 500 m², hộ trồng nhiều lên đến 4.000 m².
Gia đình cô Vẽ là một trong những điển hình trong việc đầu tư phát triển cây củ đậu và cây này là cây trồng chủ lực được gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế. Vụ vừa rồi cô trồng 4 sào củ đậu, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi cây sinh trưởng phát triển tốt năng suất đạt 3 tấn/sào, với giá bán tại ruộng 5.000 đồng/kg sau khi trừ các khoản chi phí cô còn lãi hơn 10 triệu đồng/sào (sào 500 m²).
Cùng canh tác củ đậu trong thôn với cô Vẽ là gia đình anh Lê Văn Cư cũng có thu nhập khá. Anh Cư cho biết năm nào gia đình cũng trồng 4 - 5 sào củ đậu, biết cây củ đậu không chịu được úng ngập nên anh luôn chú ý lượng nước tưới cho cây chỉ đủ ẩm. Bệnh trên cây củ đậu chủ yếu là bị lở cổ rễ ngoài việc dùng thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết thì sau mỗi trận mưa anh thường ra đồng kiểm tra để có biện pháp can thiệp kịp thời. Anh Cư chia sẻ bí quyết: Ngoài kỹ thuật chăm sóc cơ bản, yếu tố quan trọng để củ đậu cho năng suất cao là khâu làm đất phải kỹ càng, bảo đảm đất tơi xốp, sử dụng phân hữu cơ để chăm bón và thường xuyên bấm tỉa ngọn để chất dinh dưỡng tập trung vào củ.
Cũng theo anh Cư, trồng củ đậu tuy dễ nhưng đòi hỏi người trồng tốn nhiều công lao động, nhất là công lên luống trước khi trồng, vì luống củ đậu thường rộng 1,5 - 1,8m, cao 0,3 - 0,4m, việc lên luống cao để thoát nước tốt là điều cần thiết cho trồng loại cây này. Để đảm bảo thời vụ trồng các hộ thường tập trung làm đổi cho nhau vài ba nhà cùng làm, cùng xuống giống. Sau khi trồng được khoảng một tháng cần bấm ngọn lần đầu sau đó cứ 15 - 20 ngày dùng dao, kéo cắt tỉa hoa, nụ lộc non vươn dài khỏi mặt luống nhằm giúp cây chuyển nhanh từ giai đoạn sinh trưởng thân lá sang phát triển củ, tăng trọng củ, nâng cao chất lượng củ.
Theo anh Cư, giá củ đậu bán tại ruộng thời điểm này trung bình được 7.500 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 1.500 đồng/kg. Theo ước tính, năng suất trung bình các hộ đều đạt khoảng 3 tấn/sào. Trừ đi chi phí đầu vào mỗi sào từ 7 - 8 triệu đồng, bình quân nông dân trồng củ đậu thu lãi khoảng 15 triệu đồng/sào. Sở dĩ lợi năm nay cao hơn mọi năm là do giá củ đậu tăng cao.
Tác giả: Phạm Thị Oanh Thư
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên