Trong những năm qua huyện Tây Giang (Quảng Nam) hướng tới hình thành những vùng sản xuất chuyên canh các loại cây đặc hữu như lúa Xươn, nếp Proong tại thôn Ariing (xã A Xan) và thôn Glao (xã Ga Ri); nếp Than tại xã Dang; quy hoạch vùng phát triển cây dược liệu tập trung như ba kích, đảng sâm, táo mèo, sả chanh, từng bước đa dạng sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ cho người dân.
Lúa Xươn là một giống lúa quý của người Cơ Tu (huyện Tây Giang) được bà con ở các xã vùng cao của huyện lưu giữ và sản xuất theo phương thức truyền thống, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, sinh trưởng, phát triển khỏe; có khả năng chống chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cứng cây, chống đổ tốt; ít bị bệnh đạo ôn, sâu đục thân, rầy nên giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giúp cho hạn chế ô nhiễm môi trường và sức khỏe người sản xuất.
Xã A Xan có tổng diện tích lúa nước là trên 85 ha. Theo chủ trương của huyện Tây Giang, đất trồng lúa của xã A Xan hầu hết được quy hoạch để nhân giống lúa đặc hữu này nhằm bảo tồn giống lúa quý của người Cơ Tu, đồng thời phát triển loại gạo đặc sản dẻo thơm này thành sản phẩm hàng hóa.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã triển khai mô hình "Trồng lúa Xươn liên kết tiêu thụ sản phẩm bản địa" vụ hè thu ở thôn Ariing, xã A Xan, huyện Tây Giang với quy mô 3,0 ha, 31 hộ dân tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và tư vấn liên kết theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra.
Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật làm đất, ngâm ủ giống, gieo mạ trước khi cấy lúa, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản lúa; Hỗ trợ vật tư và theo dõi xuyên suốt trong quá trình thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã hướng dẫn người dân cách thức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do mình làm ra thông qua các kênh tiêu thụ như: liên kết với hợp tác xã, tiểu thương... Đến nay nhiều hộ đã có gạo dôi dư để bán lại cho đồn Biên phòng.
Vừa qua Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình. Mô hình áp dụng các kỹ thuật từ khâu cấy kết hợp với làm cỏ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… nên chiều cao cây tăng trưởng tốt, hạt chắc, bông và chiều dài bông đạt hơn so với lúa sản xuất truyền thống của bà con. Năng suất đạt 41,58 tạ/ha, cao hơn ruộng lúa sản xuất đại trà là 11,08 tạ/ha; lợi nhuận cao hơn so với sản xuất đại trà là 8.344.000 đồng. So với sản xuất truyền thống của người dân lượng lúa giống cũng giảm đi 10 kg/ha. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác, khắc phục tình trạng bỏ ruộng, giúp người dân thêm tin tưởng, gắn bó với đồng đất quê hương.
Mô hình đã làm thay đổi nhận thức của bà con, giúp bà con nông dân có thêm kỹ năng kinh nghiệm trong sản xuất, biết cách chăm sóc và sử dụng phân bón hợp lý để tăng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo, góp phần đáp ứng nhu cầu lượng thực tại chỗ, đồng thời hướng dẫn cho người dân biết cách tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra, tăng thu nhập cho người nông dân.
Tác giả: Đặng Ngọc Sơn
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông quốc gia