Với mô hình phát triển kinh tế của mình, liên tục từ năm 2017 đến nay, năm nào ông Trần Quốc Bảo cũng nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua Nông dân sản xuất giỏi.
Hưởng ứng chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, những năm qua, từ phong trào tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế nông nghiệp đã xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trên các loại cây trồng truyền thống là lúa và cao su theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn vươn lên làm giàu chính đáng từ chính đồng đất quê hương. Điển hình là "lão nông" Trần Quốc Bảo ở xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành thu lời 4,7 tỷ đồng/năm. Ông là một trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2024.
Tích luỹ đất đai để sản xuất lớn
Năm 1995, sau khi xây dựng gia đình, ông Trần Quốc Bảo cùng vợ đến định cư tại ấp Cây Ổi, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành để lập nghiệp. Ông đầu tư trồng điều, mì và các loại hoa màu để mưu sinh.
Ông Bảo kể, ông được cha mẹ cho 3 chỉ vàng làm vốn lập nghiệp. Lúc bấy giờ Hoà Thạnh là một xã vùng biên giới, đất đai còn hoang sơ, phần lớn là đất gò và rừng chồi, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư, đời sống nhân dân trên địa bàn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn.
Để an cư lạc nghiệp, ông mua 1 ha đất đầu tư trồng điều và các loại hoa màu để mưu sinh. Những năm sau đó, ông chuyển sang trồng mía, trồng lúa… Bao nhiêu tiền lời tích cóp được, ông đều dành mua đất.
"Xã Hoà Thạnh chỉ là một vùng đất hoang sơ, bạc màu, phần lớn là đất gò và rừng chồi. Với quan niệm, muốn làm nông nghiệp thì phải có nhiều đất nên tôi tích góp tiền mua thêm đất, rồi ra sức cuốc cày để nuôi con ăn học" - ông Bảo kể lại.
Năm 2009, chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Bảo mạnh dạn chuyển đổi hơn một nửa diện tích đất của gia đình sang trồng cây cao su. Số đất còn lại nằm tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông, ông tiếp tục duy trì trồng lúa nhằm tận dụng nguồn phù sa và nguồn nước dồi dào của con sông này.
Theo ông Bảo, sản xuất nông nghiệp trên diện tích lớn là một lợi thế, với một diện tích liền canh, nông dân dễ dàng áp dụng cơ giới hoá, tiết kiệm chi phí đầu tư... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, người nông dân cần cập nhật thông tin, đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, ông Bảo tham gia mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu lúa chất lượng cao với doanh nghiệp đã góp phần giúp ông phát triển kinh tế gia đình ổn định. Ông Bảo có 7 ha đất trồng lúa và 12 ha cao su, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông thu lời 4,7 tỷ đồng.
Tích cực xây dựng nông thôn mới
Không chỉ thành công trong mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình, mà ông Trần Quốc Bảo còn là người đi đầu trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại địa phương, tích cực đóng góp tiền ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Hỗ trợ nông dân…
Ông Trần Thanh Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Thạnh cho biết, ông Trần Quốc Bảo là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân xã. Nhờ cần cù, chăm chỉ và nỗ lực nghiên cứu học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào quy trình sản xuất theo hướng kết nối thị trường, ông Bảo đạt lợi nhuận khá ổn định.
Với mô hình canh tác lúa và chăm sóc vườn cây cao su, gia đình ông Bảo tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông Bảo cũng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ về vốn cho hơn 40 hộ nông dân tại địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông hỗ trợ vốn, con giống, thuốc, thức ăn cho 12 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hoà Thạnh với tổng trị giá trong hơn 5 năm gần đây là trên 550 triệu đồng. Qua đó, có 9 hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Thạnh Trần Thanh Long, ngoài việc sản xuất giỏi, gia đình ông Bảo luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bản thân ông và gia đình luôn nhiệt tình, năng nổ, tích cực hưởng ứng các hoạt động, phong trào do địa phương phát động, tham gia ủng hộ các loại quỹ, hỗ trợ, giúp đỡ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Từ sự hỗ trợ vốn của ông mà nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Các hoạt động từ thiện như giúp đỡ học sinh nghèo, hỗ trợ xây nhà mái ấm nông dân; trao vốn cho hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình đều được ông nhiệt tình tham gia. Ngoài ra, gia đình ông Bảo cũng đóng góp tiền và vật chất trên 40 triệu đồng/năm để cùng với chính quyền xã nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn ở địa phương.
"Với mô hình phát triển kinh tế của mình, liên tục từ năm 2017 đến nay, năm nào ông Bảo cũng nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua Nông dân sản xuất giỏi" - ông Long cho biết.
Tác giả: Minh Dương
Nguồn: Báo điện tử Tây Ninh