Thái Nguyên: Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi quay trở lại
Phấn đấu tiếm vắc xin cho đàn lợn đạt 80%

Thái Nguyên: Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi quay trở lại

Từ trung tuần tháng 5 - 2024, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 2 xã Tràng Xá, Dân Tiến, Võ Nhai, với trên 130 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy (với tổng trọng lượng trên 3.200kg). Mặc dù đã công bố hết dịch từ ngày 28 - 6 nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng. Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên vẫn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh, cho biết: Đặc điểm của vi - rút dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp. Hơn nữa, điều kiện thời tiết thay đổi, chuyển mùa như hiện nay làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan, gây bệnh. Trong khi đó, tại nhiều hộ dân, việc áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi với quy mô nông hộ còn hạn chế; việc chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh ở nhiều nơi chưa kịp thời… Đây là những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi có thể tái bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh giáp ranh với Thái Nguyên và các yếu tố, nguy cơ tiềm ẩn tái phát, lây lan dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đang khá thận trọng khi tái đàn cũng như mở rộng quy mô đàn lợn.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi xanh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (thành phố Sông Công), cho biết: Sau 7 năm thành lập, đi vào hoạt động, chúng tôi đã xây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống đến lò mổ gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Mỗi năm, 9 thành viên và hơn 20 hộ liên kết của Hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 1.000 con lợn. Tuy nhiên, từ tháng 5 - 2024 đến nay, chúng tôi luôn thận trọng bởi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, hiệu quả để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn.

Trước những nguy cơ dịch bệnh và mong muốn chính đáng của người chăn nuôi, thực hiện Chỉ thị số 21/CT - TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công văn số 3990 chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm từ động vật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp đến các hộ chăn nuôi về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và biện pháp phòng, chống. Tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống dịch, khai báo, kê khai chăn nuôi theo đúng quy định.

Cùng với đó là thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch mới xuất hiện, không để phát sinh ổ dịch mới, đặc biệt là ở những địa phương giáp ranh với các tỉnh đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi; kịp thời tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý những trường hợp vứt xác lợn làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...

Với phương châm "phòng hơn chống", tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tiếp tục rà soát, tiêm vắc - xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn (như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi…) tại các địa phương có nguy cơ cao, nhằm bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn…

Hiện nay, toàn tỉnh có 95 nghìn con trâu, bò; 600 nghìn con lợn và khoảng 16 triệu con gà. Năm nay, tỉnh phấn đấu sản lượng thịt hơi đạt 222.850 tấn. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó có dịch tả lợn châu Phi là rất cần thiết. Từ đó giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm cung cấp sản phẩm thịt gia súc, gia cầm an toàn ra thị trường...

Thực hiện: Tùng Lâm
Báo điện tử Thái Nguyên
Nguồn: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202408/ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-quay-tro-lai-74403c2/

Viết bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu!