Hang Dơi được phát hiện vào năm 1952, diện tích gần 7.000m2 với các nhũ đá kỳ ảo, mang màu sắc và hình thú kỳ dị. Có hình giống con voi, con sư tử, có hình giống đôi trai gái ôm nhau, lại có hình trái phật thủ, hay hình mặt người với những đường nét đa dạng.
Cùng với những thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng... thì Hang Dơi (Động Sơn Mộc Hương) là một trong điểm du lịch bỏ qua là tiếc khi bạn đến Mộc Châu. Tên là Hang Dơi bởi xưa kia đây là nơi lưu trú của nhiều loài dơi, còn người Thái đặt tên là hang Sa Lai (Hang nước), vì trong lòng núi có mạch nước ngầm lớn chảy quanh năm không bao giờ cạn, là nguồn nước ăn sinh hoạt của người dân ở đây. Nó là một hang đá tự nhiên nằm trong dãy núi trùng điệp nằm ở phía Đông Bắc thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có độ cao 100m so với mực nước biển.
Khi tiến hành nghiên cứu, nhiều nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hiện vật chứng minh người Việt cổ đã từng sống ở đây từ 10.000 đến 15.000 năm (thời kỳ văn hóa Hòa Bình) với những mảnh đá có hình dạng chiếc rìu, giáo, mác và một số đồ gốm hiện nay vẫn còn sót lại trong hang. Thời kháng chiến chống Pháp, đoàn quân Tây Tiến trung đoàn 174 thuộc sư 316 từng trú quân ở đây để tăng cường cho chiến dịch Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Còn từ năm 1965 đến 1974, sư đoàn 335 trú quân và cất dấu vũ khí để tăng cường cho mặt trận Bắc Lào. Sau này khi đưa vào khai thác du lịch, hang Dơi được gọi là động Sơn Mộc Hương gắn với truyền thuyết xưa kia có một con rồng, ngao du tứ phương, đi qua đây thấy sơn thủy hữu tình, khí hậu ôn hòa nên chọn làm chốn dừng chân...