Thời tiết Việt Nam
weather icon
--°C | --%
--, --/--/----
Theo dõi trên mạng xã hội        
E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Hotline: 0945938836
Một góc khu vực nuôi biển công nghệ cao đang được triển khai tại khu vực Đầm Bấy.
Một góc khu vực nuôi biển công nghệ cao đang được triển khai tại khu vực Đầm Bấy.

Khánh Hòa: Tiên phong phát động phát triển nuôi biển công nghệ cao

Chiều 7-3, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố và phát động triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 231, ngày 24-1-2025. Tham dự buổi lễ có các ông, bà: Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đại diện Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup (đơn vị tài trợ xây dựng đề án), các doanh nghiệp, người nuôi.



Mở ra tương lai cho ngành nuôi biển

Khánh Hòa là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển. Ngành này đã phát triển tại địa phương từ đầu năm 1990 và sớm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển. Khánh Hòa là một trong những trung tâm nuôi biển lớn của cả nước, với hơn 140.000 lồng nuôi, sản lượng hằng năm đạt từ 18.000 đến 20.000 tấn; các đối tượng nuôi chủ lực như: Cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm… Đối với nuôi biển công nghệ cao, Khánh Hòa là địa phương tiên phong phát triển, khi nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số đơn vị, doanh nghiệp áp dụng nuôi biển công nghệ cao và mang lại hiệu quả rất lớn như Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I… Tiềm năng, lợi thế về phát triển nuôi biển công nghệ cao của tỉnh còn được khẳng định khi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 đều khẳng định mục tiêu phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: "Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường".

Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: "Sau nhiều năm phát triển, nghề nuôi biển bằng lồng bè gỗ truyền thống đã giảm dần hiệu quả, để lại nhiều hệ lụy về môi trường vùng nuôi, chồng lấn không gian phát triển với các ngành nghề khác. Việc chuyển đổi từ quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghệ cao, hiện đại, quy mô công nghiệp; chuyển từ nuôi biển quy mô hộ gia đình sang doanh nghiệp nuôi biển; chuyển từ vùng nước ven bờ ra vùng biển xa bờ và tiến dần ra nuôi trên đại dương đang là xu hướng tất yếu. Vì vậy, tỉnh đã xây dựng Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là đề án được Tỉnh ủy xác định là mới và khó, phạm vi rộng, liên quan nhiều bộ, ngành, nội dung khối lượng công việc rất nhiều. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm xây dựng, Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai. Đây là bước khởi đầu trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển nuôi biển công nghệ cao của tỉnh. Việc Khánh Hòa được lựa chọn để triển khai đề án thí điểm này sẽ mở ra tương lai phát triển nuôi biển công nghệ cao của cả nước".

Một góc khu vực nuôi biển công nghệ cao đang được triển khai tại khu vực Hòn Nội.

Một góc khu vực nuôi biển công nghệ cao đang được triển khai tại khu vực Hòn Nội.

Việc triển khai hiệu quả Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa sẽ đảm bảo mục tiêu tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó là bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ và góp phần giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển. Ngoài ra, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đến năm 2030, tỷ trọng lĩnh vực thủy sản chiếm khoảng 62% của cơ cấu toàn ngành nông nghiệp của tỉnh, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm 40% tổng sản lượng thủy sản, khoảng 60.000 - 62.000 tấn.

Những việc cần làm để triển khai hiệu quả

Có thể thấy, thực tế nuôi biển công nghệ cao của các doanh nghiệp tại Khánh Hòa nhiều năm qua và kết quả mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển xã Cam Lập (TP. Cam Ranh) đã khẳng định việc ứng dụng nuôi biển công nghệ cao có hiệu quả rất lớn. Việc tỉnh phát động triển khai đề án này là bước khởi đầu quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi từ nuôi biển bằng lồng bè gỗ truyền thống sang nuôi biển bằng vật liệu mới, tích hợp, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả trong quá trình nuôi biển; giảm thiểu môi trường; thích ứng được biến đổi khí hậu…

Ông Lê Duy - đại diện Hợp tác xã Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh cho rằng: "Để phát triển nuôi biển công nghệ cao, bên cạnh thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, phải quan tâm đến việc khuyến khích các hộ dân chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao. Người dân rất cần có những chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư để nuôi biển công nghệ cao. Cùng với đó, cần tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân áp dụng các kỹ thuật và công nghệ mới vào nuôi biển. Bên cạnh đó, cần giao diện tích mặt nước để người dân mạnh dạn đầu tư; hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng nuôi để phục vụ xuất khẩu chính ngạch…".

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, thực hiện thành công Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao sẽ đưa Khánh Hòa trở thành hình mẫu để các địa phương ven biển trong cả nước cùng phát triển ngành công nghiệp nuôi biển, đưa ngành này thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thủy sản nói riêng, kinh tế biển nói chung. Để triển khai hiệu quả đề án, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp, khuyến khích người dân đầu tư vào nuôi biển công nghệ cao; quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong ngành này. Cùng với đó là chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về cả công nghệ nuôi, giống, thú y thủy sản, thức ăn dinh dưỡng để từ đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả nghề nuôi. Trong tổ chức sản xuất, cần phải hình thành được hệ sinh thái nuôi biển công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, liên kết với các hợp tác xã, hộ nuôi. Địa phương cũng cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nuôi biển công nghệ cao; quan tâm đầu tư hạ tầng nuôi biển; chú trọng hợp tác quốc tế để phát triển nuôi biển bền vững.


Tác giả: Hải Lăng & Hồng Đăng
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa


Viết bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu!
Phần có dấu (*) là thông tin bắt buộc và được hệ thống bảo mật theo quy định của pháp luật hiện hành.