Mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố bất lợi về thiên tai, sâu bệnh, nhưng nhờ sự chủ động của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân nên vụ mùa Đông Xuân năm nay được đánh giá là được mùa, được giá.
Vụ Đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh thực hiện gieo cấy được 29.217ha lúa, với các giống chủ lực như Hà Phát 3, VNR20, QS88, LTH31..., đạt 99% kế hoạch; năng suất đạt cao hơn mọi năm với 64,7 tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 189.200 tấn, đạt 110% kế hoạch.
Huyện Lệ Thủy, vựa lúa của Quảng Bình với diện tích gieo cấy trên 10.100ha với các giống lúa chủ lực như Nhị Ưu 838, VN20, VNR20, P6… Ông Nguyễn Lê Văn Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết, vụ Đông xuân năm nay, các địa phương trong huyện được mùa lớn. Năng suất bình quân lúa toàn huyện đạt gần 71 tạ/ha. Nhiều địa phương có diện tích sản xuất lớn và có năng suất vượt trội như xã Hồng Thủy (79 tạ/ha), Thanh Thủy (78 tạ/ha), An Thủy, Hoa Thủy (77 tạ/ha)... Năm nay, giá lúa đầu vụ cũng tăng cao ở mức 7,5 - 8 triệu đồng/tấn lúa tươi. Khi bà con gặt đến đâu thì tư thương thu mua đến đó nên rất thuận lợi cho bà con nông dân.
Huyện Quảng Ninh gieo cấy hơn 5.200ha lúa trong vụ Đông xuân này. Để bảo đảm năng suất, sản lượng đạt kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân quan tâm cải tạo, tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi, bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất. Cùng với việc xây dựng các phương án sản xuất cụ thể, huyện chú trọng triển khai giải pháp chuyển dịch cơ cấu giống; đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với từng chất đất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 65%. Năng suất lúa bình quân của huyện đạt trên 64 tạ/ha.
Đặc biệt, cũng trong vụ Đông xuân này, một số địa phương đã đưa công nghệ vào sản xuất trên đồng ruộng. Các mô hình được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hỗ trợ thực hiện như sử dụng máy gieo sạ cụm tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh với quy mô 10ha; sử dụng máy bay không người lái để gieo lúa kết hợp bón phân, phun thuốc với quy mô 22ha tại xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy... mang lại "thắng lợi kép" trong sản xuất, bước đầu được người nông dân hồ hởi đón nhận.
Đánh giá về vụ mùa này, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Dù thời tiết không phải thuận lợi, nhưng việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuất vào canh tác trên đồng ruộng đã cho nông dân một vụ mùa có năng suất cao. Từ đầu vụ đến cuối vụ, giá lúa bán tại ruộng đều cao nên bà con nông dân có lãi lớn hơn những vụ mùa trước đây. Đặc biệt, qua theo dõi, tìm hiểu cho thấy, việc đưa công nghệ vào đồng ruộng, sản xuất theo chuỗi mang lại hiệu quả cao hơn hẳn, nông dân "nhàn" việc mà có lãi hơn. Từ thành công của các mô hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương nhân rộng mô hình, cách làm mới này để tăng diện tích gieo sạ, bón phân bằng thiết bị bay điều khiển từ xa trong những vụ mùa sau; đồng thời cũng kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và bà con nông dân như thuê đất ruộng, tích tụ ruộng đất thực hiện việc đưa công nghệ vào đồng ruộng và canh tác theo hướng hữu cơ để tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp cũng có lãi.
Phần có dấu (*) là thông tin bắt buộc và được hệ thống bảo mật theo quy định của pháp luật hiện hành.