booked.net booked.net booked.net
Nuôi trồng thủy sản nhiều khó khăn, thách thức
Nuôi trồng thủy sản nhiều khó khăn, thách thức

Để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long

Phản hồi bài viết này!

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm nuôi trồng, khai thác thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm ở hầu hết các thị trường chính; chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu thiếu đồng bộ. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời, để ngành nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển bền vững.

Nhiều khó khăn, thách thức

Ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước và nguồn cung hải sản toàn cầu. Sản lượng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 70% trong tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn quốc, hỗ trợ cải thiện sinh kế khu vực nông thôn và góp phần đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 155 Hợp tác xã thủy sản, chiếm trên 1/3 số Hợp tác xã thủy sản của cả nước, từ đó đóng góp 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các Hợp tác xã tại Đồng bằng sông Cửu Long đều hoạt động trên quy mô hẹp, năng lực tiếp cận các khoản vay vốn ưu đãi và dịch vụ tài chính còn hạn chế, điều này gây cản trở cho việc đầu tư công nghệ nuôi trồng hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất.

Trong khi đó, các thực hành nuôi trồng thiếu tính bền vững và những diễn biến về biến đổi khí hậu, như xâm nhập mặn, nước biển dâng và thời tiết thất thường… đang làm suy giảm năng suất sản xuất cũng như lợi nhuận được tạo ra của ngành trong khu vực.

Bên cạnh đó, nông dân và các Hợp tác xã thường chịu sự phụ thuộc lớn vào khâu trung gian, từ đó lợi nhuận bị giảm xuống.

Đồng thời, sự phụ thuộc này cũng gây ra nhiều hạn chế cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững quốc tế và tiếp cận thị trường có giá trị cao.

Dù giá thủy sản và đầu ra trong tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản đã khởi sắc hơn năm trước nhưng nhìn chung đầu ra vẫn biến động trong khi chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao khiến các thành viên Hợp tác xã liên tiếp gặp khó.

Tại tỉnh Vĩnh Long, giám đốc một Hợp tác xã thủy sản tại huyện Trà Ôn cho hay: Hợp tác xã còn gặp khó về nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất; thiếu nhân lực để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời chưa có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp nên việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng công nghiệp, thâm canh, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh cá điêu hồng, người nuôi cũng thay đổi giống và đa dạng các loại cá khác như cá lăng nha, cá cóc, cá he, cá chốt,… có giá trị kinh tế cao hơn và cho năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, giá cá thương phẩm giảm; chu kỳ nuôi được kéo dài, nuôi cầm chừng, cho cá ăn ít; số lượng doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu cũng giảm đã làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nuôi cá tra của tỉnh.

Theo GS.thủy sản Vũ Ngọc Út - Trường thủy sản, ĐH Cần Thơ, các Hợp tác xã và doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vì thực tế tại các trường, rất ít người học ở lĩnh vực này.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đi liền với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng và chế biến thủy sản bị ảnh hưởng, từ đó khó đưa ngành thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên kết để phát triển bền vững

Có thể thấy, lĩnh vực thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bất lợi từ môi trường, khí hậu, thị trường.

Dù được đánh giá là đang có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nếu người dân tiếp tục duy trì sản xuất theo hướng tự phát, không chuyên nghiệp thì ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chậm phát triển, đặc biệt là khó phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, thời điểm cuối năm cũng là cao điểm phục vụ xuất khẩu, nhưng do trước đó nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, giá cả xuống thấp nhiều người dân đã bỏ ao nuôi. Nếu không hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thì rất khó đảm bảo nguồn thủy sản chất lượng cho doanh nghiệp chế biến.

Để phát triển bền vững ngành thủy sản, các chuyên gia nhận định rằng việc liên kết giữa các Hợp tác xã, doanh nghiệp và người nông dân là yếu tố then chốt.

Chỉ có liên kết trong mô hình kinh tế tập thể mới có thể giải quyết những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Trong đó, các Hợp tác xã chính là trọng tâm của sự chuyển đổi.

Khi các Hợp tác xã phát triển vững mạnh về tài chính và chuyên nghiệp trong quản trị, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn thúc đẩy tính bền vững xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích dài hạn cho người nông dân, các Hợp tác xã thủy sản, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Theo đó, nếu các Hợp tác xã được hỗ trợ kịp thời, ngành nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân và góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sự bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các giải pháp đổi mới, quan hệ đối tác chiến lược và hành động tập thể là hết sức cần thiết.

Bởi từ đây sẽ có những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực, cải thiện tính chuyên nghiệp cho các Hợp tác xã và tăng cường khả năng chống chịu và sinh lợi đối với chuỗi giá trị thủy sản.

Tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cho các Hợp tác xã chính là đặt nền tảng vững chắc cho con đường phát triển của ngành thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long phía trước.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới tỉnh sẽ phát triển các đối tượng thủy sản có tiềm năng, đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi. Tập huấn hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh cá để giảm tỷ lệ hao hụt. Tăng cường công tác theo dõi kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn khác để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn trên các sông chính, kênh rạch tự nhiên đối với các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt có thể ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.


Tác giả: Trà My
Nguồn: Báo điện tử Vĩnh Long


Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!