Những năm gần đây, nhờ các chương trình đào tạo, tập huấn của các ngành chức năng, doanh nghiệp, nhận thức của người nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng được nâng cao.
Trên cơ sở đó, bà con sử dụng đúng cách thuốc (đúng đối tượng), đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách (đúng phương pháp), vừa phát huy tối đa khả năng bảo vệ cây trồng vừa giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.
Chiều 8/11, Cục Bảo vệ thực vật, Báo Nông thôn ngày nay, Croplife Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cùng phối hợp tổ chức Tọa đàm trực tuyến Nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thuốc bảo vệ thực vật có vai trò quan trọng trong bảo vệ, nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Đóng góp của thuốc bảo vệ thực vật không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Nhưng nếu không sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, an toàn thực phẩm.
Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam có thể đạt trên 60 tỷ USD. Trong con số này, ấn tượng nhất là xuất khẩu trái cây đã đạt trên 6 tỷ, tăng trên 30%. Đây là minh chứng Việt Nam đã tuân thủ tốt các quy định của thị trường nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay đang ngày càng được mở rộng với những con số ấn tượng, tuy nhiên tất cả các thị trường xuất khẩu đều đưa ra các quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Về lâu dài, các quy định đó sẽ ngày càng được nâng lên, do đó nhận thức của người sử dụng cũng cần được nâng cao nhằm đảm bảo tuân thủ về quy định không chỉ trong nước mà còn ở thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cũng thông tin, hiện Việt Nam có trên 800 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; trong đó thuốc sinh học chiếm 18%, đứng đầu trong nhóm các nước khu vực Đông Nam Á. Với số lượng phong phú về chủng loại nên việc quản lý sâu bệnh bằng thuốc sinh học rất thuận lợi cho nông dân.
Với lượng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên, ông Nguyễn Hữu Quảng - đại diện CropLife Việt Nam cho rằng, để nghiên cứu một hoạt chất mới đưa vào sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho sản xuất không hề dễ dàng. Đến nay, thuốc bảo vệ thực vật là một trong các loại sản phẩm được đánh giá về an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới và đòi hỏi nhiều công đoạn tổng hợp với yêu cầu đánh giá vô cùng khắt khe. Quá trình nghiên cứu kéo dài và tốn kém.
Theo nghiên cứu của Agbioinvestor, để giới thiệu một thuốc bảo vệ thực vật mới ra thị trường, doanh nghiệp cần đầu tư trung bình 301 triệu USD và mất trên 12 năm. Thời gian dài nghiên cứu để vừa bảo đảm kiểm soát dịch hại, vừa đảm bảo an toàn môi trường và cả các sinh vật xung quanh cũng như môi trường đất, nước… Chi phí đảm bảo nghiên cứu an toàn môi trường chiếm tới 2/3 chi phí để đưa một sản phẩm ra thị trường.
Hiệu quả, tính an toàn là hai vấn đề được ưu tiên nhất trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Có hai giai đoạn chính: Nghiên cứu các hoạt chất và đưa ra thử nghiệm trên đồng ruộng. Quá trình thử nghiệm trên đồng ruộng thường kéo dài khoảng 4 năm và nghiên cứu tính an toàn thì có thể kéo dài tới 20 năm, nhằm đảm bảo sản phẩm mang lại lợi ích cho nông dân, không gây lãng phí tài nguyên và tính tới độ an toàn với con người, động vật và môi trường đất, nước; sinh vật thuỷ sinh…, ông Nguyễn Hữu Quảng nhấn mạnh.
Để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa phòng trừ được sinh vật gây hại lại an toàn cho con người, môi trường, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) cho rằng, đây là bài toán khó. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguyên tắc quan trọng là chỉ sử dụng khi sinh vật gây hại khi vượt ngưỡng gây hại lớn. Ngành nông nghiệp cần tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và giảm thuốc hóa học. Cần phát triển các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới dù giá cao nhưng phòng trừ sâu bệnh cao và an toàn cho người, môi trường...
"Điều quan trọng là đưa các loại thuốc bảo vệ thực vật đến người nông dân đúng quy định và hướng dẫn bà con sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" sẽ đảm bảo được việc phòng trừ sâu bệnh cao và an toàn cho con người, môi trường", ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, ngành nông nghiệp có các đề án hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh; trong đó có Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Hiện trong số hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 80% số nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, song sản lượng còn thấp.
Tuy nhiên, theo các diễn giả tại tọa đàm, thuốc bảo vệ thực vật hóa học hay sinh học đều có những ưu, nhược điểm. Không thể thiên về dùng một loại nào, mà cần kết hợp hài hòa giữa hai loại, sử dụng luân phiên. Có loại bệnh thì dùng thuốc này, có loại dùng thuốc kia. Có những lúc dịch bệnh xảy ra phải dùng thuốc hóa học mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh.
Nông dân cần dùng thuốc bảo vệ thực vật sao cho phù hợp, để đảm bảo an toàn cho cây trồng, chất lượng nông sản, đảm bảo đầu ra, sử dụng đúng theo nguyên tắc của thuốc mới đem lại hiệu quả.
Tác giả: Hân Nguyễn
Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam