Cây Ý dĩ trồng ở thôn Nàn Hái, xã Chí Cà
Cây Ý dĩ trồng ở thôn Nàn Hái, xã Chí Cà

Những tín hiệu vui cho người dân trồng cây Ý dĩ ở Chí Cà

Phản hồi bài viết này!

Đầu năm nay, Ủy ban nhân dân xã Chí Cà (Xín Mần) đã thực hiện ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm hạt Ý dĩ với Công ty TNHH Thiết bị Trường Giang (Hải Phòng). Đây có thể được xem là bước phát triển bền vững cho hạt Ý dĩ sau thời gian dài loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đến trung tâm xã Chí Cà, giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, một bên là núi cao, bên taluy âm là những thửa ruộng bậc thang trồng lúa và cây Ý dĩ đang mùa thu hoạch. Cây Ý dĩ được người dân Chí Cà canh tác từ bao năm nay, vốn trước đây được coi là loại cây trồng cứu đói vào mùa giáp hạt. Anh Lý Ngọc Vinh, cán bộ Khuyến nông xã chia sẻ: Vùng đất Chí Cà có điều kiện tự nhiên phù hợp để cây Ý dĩ phát triển và sinh trưởng. Trên địa bàn xã hiện nay, người dân đang gieo trồng Ý dĩ nếp và tẻ. Ý dĩ nếp có giá trị cao hơn và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, với giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg hạt tươi chưa bóc vỏ. Sau khi hạt được phơi khô, xay xát, bóc vỏ, hạt Ý dĩ có giá bán 80 nghìn đồng/kg trở lên.

Theo người dân địa phương, cây Ý dĩ hay còn gọi là Dĩ thực, Dĩ mệ, Mễ châu, Bo bo, cây cao từ 1 - 1,5m. Anh Ly Chẩn Pùa, thôn Hồ Sáo Chải, xã Chí Cà cho biết: Bên cạnh trồng lúa, hàng năm gia đình tôi đều trồng thêm cây Ý dĩ. Sau mỗi vụ thu hoạch chúng tôi chọn những hạt to, chắc để làm giống cho vụ sau. Gia đình tôi tận dụng các diện tích đất nhỏ lẻ, đất nương để trồng. Sau khi gieo hạt, chỉ cần làm cỏ 1 - 2 lần và hầu như không tốn kém về phân bón cũng như công chăm sóc. Trước đây, người dân trong thôn trồng Ý dĩ chủ yếu là làm lương thực mùa giáp hạt, sau này mở rộng diện tích trồng để bán ra thị trường. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây hạt Ý dĩ tiêu thụ chậm do chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên diện tích trồng cũng bị giảm xuống. Đầu năm nay, với sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân xã trong việc kết nối với đơn vị bao tiêu nên người dân yên tâm hơn và bắt đầu mở rộng diện tích trồng Ý dĩ.

Hạt Ý dĩ được người dân dùng để chế biến các món ăn như canh hầm, cháo, nấu chè... Ngoài ra còn là dược liệu và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Trong hạt Ý dĩ có những chất như: Protein, lipid, chất xơ, tinh bột và nhiều axit amin có lợi khác, có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp, tiểu buốt, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy... Sản phẩm hạt Ý dĩ ở Chí Cà được người dân canh tác theo hướng an toàn, hoàn toàn bằng tự nhiên. Đồng chí Sùng Seo Lử, Bí thư Đảng ủy xã Chí Cà cho biết: Cây Ý dĩ được người dân trồng rải rác ở các thôn: Hậu Cấu, Hồ Sáo Chải, Hồ Mù Chải... Với mục tiêu phát triển cây trồng đặc trưng của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Chí Cà đang nỗ lực thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cụ thể hóa chủ trương phát triển theo hướng hàng hóa. Năm nay, xã đã ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm Ý dĩ với doanh nghiệp, qua đó mở ra cơ hội phát triển bền vững cho loại cây đặc trưng của Chí Cà. Đây cũng là tín hiệu vui cho bà con Nhân dân trên địa bàn khi có đầu ra cho hạt Ý dĩ và giá cả thu mua ổn định, góp phần tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế cho người nông dân.


Tác giả: Văn Long
Nguồn: Báo điện tử Hà Giang


Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!