Thời điểm cau lên giá thương lái đi khắp nơi thu mua quả cau tươi
Thời điểm cau lên giá thương lái đi khắp nơi thu mua quả cau tươi

Nông dân thấp thỏm lo âu khi giá cau ở Đắk Lắk lên xuống phập phù

Phản hồi bài viết này!

Giá cau tại Đắk Lắk đang lên cao kỷ lục với gần 100 nghìn đồng/kg, thì bất ngờ tụt dốc một nửa, thương lái thu mua cầm chừng, lò sấy tạm đóng cửa, nông dân thấp thỏm lo âu. Câu chuyện giá cau lên xuống phập phù đã lặp đi lặp lại nhiều lần, vì vậy, tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng cau ồ ạt.

Mất ăn, mất ngủ khi giá cau "nhảy múa"

Cau là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, không chiếm nhiều diện tích đất và có thể trồng xen canh với các loại cây công nghiệp lâu năm. Vì vậy, ngày càng nhiều nông dân ở Đắk Lắk lựa chọn loại cây này để trồng hàng rào hoặc trồng xen trong vườn rẫy.

2 tháng trước, quả cau tươi liên tục tăng giá, đến đầu tháng 10, giá cau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lên cao kỷ lục gần 100 nghìn đồng/kg, người trồng cau ở Đắk Lắk vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, không bao lâu giá cau giảm đột ngột một nửa cũng khiến nhiều người dân hụt hẫng.

Gia đình bà Đỗ Thị Bích Hằng ở xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột trồng gần 100 cây cau xen trong vườn sầu riêng, thấy giá cao lên cao đỉnh điểm, gia đình bà rất mừng. Song, gia đình bà chưa kịp bán thì cau bất ngờ giảm giá sâu. Bà Hằng chia sẻ: Khi giá cau tăng cao, người đến hỏi mua nườm nượp, nhưng khi đó cau còn non nên gia đình còn nấn ná. Không ngờ, ít ngày sau, cau bỗng nhiên giảm mạnh, thương lái vắng bóng. Quả cau đến ngày thu hoạch, chúng tôi mòn mỏi chờ người hỏi mua. Nếu không hái kịp quả cau sẽ già và rụng.

Trong tâm trạng bối rối khi đã bán cả vườn cau cho thương lái theo hình thức cắt ngày nào tính giá ngày đó, nhưng nhiều ngày không có người đến cắt cau, chị Nguyễn Thị Bình ở thôn 5 xã Hòa Thuận, than thở: Cuối tháng 9 cau liên tục lên giá, gia đình tôi đã bán cả vườn cau cho một thương lái, thống nhất chốt giá theo ngày cắt. Nhưng nhiều ngày nay, không thấy ai đến cắt cau nữa, trong khi giá cau ngày càng giảm sâu, trái cau cũng già đi.

Nguyên nhân giá cau lên cao rồi lao xuống dốc, một thương lái tại huyện Cư Kuin cho rằng, do thị trường quả cau phụ thuộc vào Trung Quốc. Hàng đi quá nhiều gây ứ đọng mà việc giải quyết thủ tục hải quan không kịp thời dẫn đến hàng tồn. Nhiều thương lái mua cau ồ ạt không nắm rõ nhu cầu của thị trường, thêm vào đó, cau cuối mùa chất lượng kém hơn nên giá cau giảm là điều khó tránh.

Cẩn trọng khi mở rộng diện tích trồng cau

Việc giá cau lên xuống thất thường đã diễn ra nhiều năm, song diện tích cau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng lên từng năm. Có thời điểm cau giống khan hàng, quả cau già để làm giống cũng tăng gấp nhiều lần, các vườn ươm không kịp ươm giống để bán.

Ông Trần Văn Hòa, trú xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Mấy năm trước, gia đình tôi đã trồng vài chục cây cau quanh hàng rào rẫy cà phê và bắt đầu cho thu hoạch. Vừa rồi giá cau lên cao, thấy rẫy còn nhiều khoảng đất có thể trồng xen, khoảng 1 tháng trước, tôi tìm mua giống cau về trồng xen vào rẫy. Tôi đi rất nhiều vựa cây giống quanh khu vực, nhưng không vựa nào còn cây giống. Giữa tháng 10 tôi lên xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột và gặp được vựa cây giống còn cau giống, nhưng giá cao mà cây yếu nên tôi chỉ mua 20 cây mang về trồng.

Ông Nguyễn Bá Phương, chủ cơ sở kinh doanh cây giống tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Năm 2024, cơ sở của tôi đã bán khoảng 25 nghìn cây cau giống trái dài. Thời điểm đầu tháng 10, cơ sở của chúng tôi "cháy hàng" vì rất nhiều người dân từ các địa phương trong tỉnh đến hỏi mua cau giống. Tôi tìm mua quả cau già với giá 7 nghìn đồng/quả cao gấp 2 - 3 lần so với trước mang về ươm để có cây giống cung cấp cho bà con.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, toàn tỉnh có 1.358ha cau, trong đó, diện tích trồng mới 365ha. Trong tổng diện tích cau cả tỉnh có 586ha cho sản phẩm, năng suất mỗi héc ta là 139,41 tạ. Tổng sản lượng cau năm 2023 của toàn tỉnh là 8.170 tấn.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Cau không phải loại cây trồng chính và không nằm trong quy hoạch phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Người dân thường tận dụng hàng rào, bờ ranh để trồng cau nhằm tăng thu nhập trên diện tích đất. Tuy nhiên, giá cau thường xuyên biến động, lên xuống thất thường và hiệu quả kinh tế chưa được đánh giá rõ ràng.

Bên cạnh đó, thương lái mua cau chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng đa số đi theo đường tiểu ngạch, nên thị trường cau cũng không ổn định. Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân cẩn trọng, không nên mở rộng diện tích, không trồng cau đại trà mà chỉ nên tận dụng các bờ ranh của nương rẫy hoặc diện tích đất kém hiệu quả để trồng xen canh.


Tác giả: Lê Hường
Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển


Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!