Bắc Giang: Hướng dẫn kỹ thuật cơ bản cho người nuôi ong nội Apis cerana

Bắc Giang: Hướng dẫn kỹ thuật cơ bản cho người nuôi ong nội Apis cerana

Phản hồi bài viết này!

Qua theo dõi, đa số các hộ chăn nuôi ong ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính tự phát, người chăn nuôi chưa được tập huấn về các quy trình kỹ thuật nuôi ong để áp dụng vào thực tế sản xuất nên năng suất thấp và hiệu quả kinh tế chưa cao. Để nuôi ong đạt hiệu quả kinh tế, người nuôi ong cần nắm chắc các đặc điểm sinh học của giống ong nội Apis cerana và áp dụng đồng bộ các khâu kỹ thuật từ chọn ong giống, tạo chúa chia đàn, quản lý đàn ong theo mùa vụ…

Dưới đây là một số lưu ý trong kỹ thuật nuôi ong nội Apis cerana:

Lựa chọn địa điểm nuôi ong và bố trí đàn ong

- Địa điểm nuôi ong:

+ Điểm nuôi ong phải tuân thủ theo quy định tại thông tư 23/2019/TT - BNNPTNT, ngày 30/11/2019: Số đàn ≥ 50 đàn/trại; khoảng cách giữa các trại ong nội > 01 km. Có lịch trình khi di chuyển, có xuất xứ đàn ong, phương tiện phù hợp an toàn cho đàn ong, cho người và môi trường.

+ Điểm nuôi ong cần phải nằm ngay trung tâm nguồn mật - phấn, khoảng cách từ trại ong đến nguồn hoa càng gần càng tốt (300 - 700 m). Lưu ý, chỗ đặt ong cần bằng phẳng, gần nguồn nước sạch; ấm áp vào mùa đông, mát về mùa hè; không bị ngập lụt vào mùa mưa, không bị gió thổi mạnh, thường xuyên. Đặt xa kho thuốc trừ sâu, nơi nấu đường chế biến bánh kẹo và không đặt gần nơi bếp khói, lò gạch hoặc nơi tôi vôi.

- Bố trí đàn ong: Đặt đàn ong dưới gốc cây, hiên nhà; cửa tổ quay về các hướng khác nhau, mùa đông tránh hướng bắc, mùa hè tránh hướng tây. Các đàn ong cách nhau ít nhất 1 m; chân thùng ong cao 30 - 40 cm.

Lựa chọn đàn ong giống

Đàn ong nội cơ bản có 3 cầu tiêu chuẩn, ong chúa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã qua chọn lọc, tụ đàn lớn, năng suất mật cao, tuổi ong chúa < 6 tháng, không nhiễm các bệnh về ấu trùng, đàn ong được công bố tiêu chuẩn cơ sở.

Bổ sung thức ăn cho đàn ong

- Thức ăn cho đàn ong cần phải rõ xuất xứ, an toàn cho đàn ong, không chất cấm tồn dư trong sản phẩm và đảm bảo đủ, cân đối thành phần dinh dưỡng,

- Thức ăn thay mật: Cho ong ăn nước đường, tỷ lệ 2 đường:1 nước để bổ sung mật dự trữ khi đàn ong đói; 1 đường 1 nước để kích thích ong chúa đẻ trứng; ong thợ đi làm, nuôi ấu trùng.

- Thức ăn thay phấn hoa: Thành phần có protein, khoáng, vitamin, axit amin. Dùng hỗn hợp: 40% bột đậu tương khử béo, 20% phấn hoa khô, 20% đường kính (theo khối lượng), trộn ở dạng sệt, tạo thành bánh đặt trên xà cầu. Cho ăn 3 đến 4 đợt mỗi đợt cách nhau 4 đến 5 ngày.

Biện pháp phòng và xử lý ong chia đàn tự nhiên

- Nhược điểm của ong nội Apis cerana là tính tụ đàn nhỏ, hay chia đàn, đặc biệt là vào vụ xuân. Khi ong đã chia đàn tự nhiên sẽ không thu được mật. Vì vậy, cần chủ động tiến hành các biệp pháp phòng ong chia đàn tự nhiên như sau:

- Thay chúa già một năm 2 lần và cho ong xây tầng kịp thời để giảm mật độ quân trên cầu để ong không quá đông đúc;

- Đổi cầu nhộng của đàn mạnh và lấy cầu không của đàn yếu để có nhiều lỗ tổ trống cho ong chúa đẻ trứng và lỗ tổ đổ mật;

- Phá bỏ các mũ chúa đã vít nắp, các mũ chúa đã có trứng và ấu trùng. Cắt bỏ lỗ tổ nhộng và ấu trùng ong đực; quay bớt mật ở các cầu đẫy mật;

- Khi người nuôi đã áp dụng các biện pháp trên mà đàn ong vẫn xây mũ chúa thì cần chủ động chia đàn ong;

- Hiện nay người nuôi ong ở nhiều nơi đã áp dụng kỹ thuật nuôi ong khai thác mật ở thùng kế đối với ong nội Apis cerana. Khai thác mật ong ở thùng kế giúp nâng cao được chất lượng mật ong và giảm tỷ lệ ong chia đàn tự nhiên. Đồng thời, kỹ thuật này cũng đáp ứng những yêu cầu mới của Luật Chăn nuôi, số 32/2018/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2020.

Thu hoạch sơ chế và nâng cao chất lượng mật ong

- Chuẩn bị đàn ong trước vụ mật: Dừng chia đàn trước vụ mật khoảng 40 ngày; cho ong ăn cách nhật để kích thích chúa đẻ, kích thích ong đi làm; cho ong xây tầng kịp thời để có chỗ chúa đẻ và chỗ chứa mật; phòng chống ong chia đàn tự nhiên; phát hiện và phòng bệnh kịp thời. Đồng thời chủ động chuyển các đàn ong vượt trội ở trại ong sang nuôi trong thùng kế.

- Quay mật: Chuẩn bị dụng cụ: Thùng quay mật, dao cắt nắp vít, lưới lọc mật, dụng cụ chứa mật phải được sản xuất từ các vật liệu an toàn thực phẩm. Tất cả các dụng cụ phải được rửa sạch phơi khô.

- Nơi quay mật: Phải sạch sẽ, khô ráo. Tiến hành quay mật vào buổi sáng những ngày ong đi làm nhiều, khi bánh tổ có các lỗ tổ chứa mật phải được vít nắp trắng và xây cao hơn so với các lỗ tổ khác. Các cầu quay mật nên có trên 80% số lỗ tổ mật đã được vít nắp để thu được mật đảm bảo chất lượng.

- Để nâng cao chất lượng mật, tiến hành quay mật 2 lần. Lần 1 quay mật từ các lỗ tổ chưa vít nắp (mật hoa + mật chưa chín). Lần 2 quay mật từ các lỗ tổ đã vít nắp để đảm bảo thu được mật ong đã chín.

- Thao tác:

+ Rũ ong khỏi cầu dùng chổi lông hoặc thổi hết ong non bám trên cầu.

+ Cắt nắp vít mật: Dùng dao sắc hớt nhẹ nắp vít các lỗ tổ mật, đưa dao từ dưới lên trên tránh làm vỡ các lỗ tổ.

+ Đặt các cầu đã cắt nắp vít vào khung máy quay mật. Quay đều tay với tốc độ tăng dần, khi hết mật thì giảm dần tốc độ quay để bánh tổ không bị vỡ và ấu trùng không bị văng ra.

+ Sau khi quay mật xong, trả bánh tổ đã quay vào đàn để ong ủ ấm ấu trùng, nhộng.

+ Lọc mật bằng lưới inox 8 - 32 lỗ/cm2 rồi rót mật vào can, chai đã được rửa sạch, phơi khô, có nút đậy kín.

+ Bảo quản mật nơi tối, mát không để gần các chất có mùi như dầu hoả, nước mắm...

Thực hiện: KS.CNTY Hoàng NgânNguồn: Trung tâm khuyến nông Bắc Giang

Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!