Ốc nhồi (Pila polita) là loài nhuyễn thể nước ngọt có vỏ mỏng nhẵn bóng, mầu đen hoặc vàng; có giá trị kinh tế cao, giàu chất dinh dưỡng, thịt ốc giòn dai, có vị ngọt tự nhiên, được thị trường ưa chuộng.
Nuôi ốc nhồi sinh sản không khó, nhưng khi nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chuẩn bị ao nuôi: Địa điểm được chọn thiết kế ao nuôi ốc bố mẹ thoáng, không rậm rạp, bờ ao cao hơn mức nước cao nhất trong ao 0,5m; độ sâu mức nước trong ao từ 0,5 - 1m. Chất lượng nước không bị ảnh hưởng bởi nước sinh hoạt, nông nghiệp và chất thải từ các hoạt động khác. Nước phải lọc qua lưới để chắn các sinh vật khác vào hại ốc. Thả bèo lục bình làm vật bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 1/4 diện tích ao nuôi. Làm khung ngăn bèo không để bèo phát triển lan ra quá diện tích cần thả bèo.
- Chuẩn bị ốc bố mẹ: Tuyển chọn ốc bố mẹ có kích cỡ đồng đều từ 30 - 35 con/kg. Đến mùa sinh sản, ốc cái nhìn qua lớp vỏ ngoài của vòng xoắn thứ 3, thứ 4 tính từ đỉnh vỏ xuống ta có thể nhìn thấy buồng trứng mầu vàng rất rõ, nhất là những con cái đã thành thục. Ốc đực có tháp vỏ nhọn và dài hơn ốc cái.
- Chăm sóc quản lý ao nuôi ốc bố mẹ:
+ Thức ăn và cách cho ăn: Thức ăn gồm 2 loại thức ăn xanh là các loại lá cây không đắng, không độc như lá sắn, dọc mùng, bèo, rau các loại (rau muống, mùng tơi, rau ngót, rau cải bắp,…), bí đỏ, bí xanh... Thức ăn tinh là các loại ngũ cốc (bột đậu tương, cám gạo, bột sắn). Cho ốc ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối.
+ Hàng ngày cần quan sát hoạt động của ốc và kiểm tra các yếu tố môi trường của ao nuôi để có thể điều chỉnh kịp thời và duy trì các yếu tố môi trường ổn định, phù hợp với điều kiện phát triển của ốc.
+ Phòng bệnh: Định kỳ sử dụng vi sinh xử lý môi trường ao nuôi 2 tuần/lần, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời gian xử lý vi sinh tốt nhất vào 9 - 10 giờ sáng, lúc trời có nắng.
- Kích thích ốc sinh sản: Kích thích ốc sinh sản bằng phương pháp thay nước kết hợp với phun mưa (thời gian phun nước bắt đầu từ 17 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau), lượng nước thay mới từ 30 - 50% lượng nước trong ao. Thời gian kích thích vào giữa và cuối tháng, mỗi lần kích thích kéo dài 3 ngày.
- Thu và ấp trứng: Ốc nhồi đẻ trứng vào ban đêm, đẻ trên bờ ao, trứng sau khi đẻ ra trong thời gian 8 - 12 giờ, vỏ trứng đã cứng, người nuôi cần phải đi nhặt trứng, rửa sạch sau đó cho vào ấp. Khi ấp cho các chùm trứng cho vào khay, không để chồng các chùm trứng lên nhau, cũng không để quá sát vào nhau sẽ làm dập trứng. Thời gian ấp trứng từ 13 - 20 ngày trứng ốc sẽ nở ra ốc con.
- Ương nuôi ốc con lên ốc giống: Ương trong giai (Giai được mắc trong ao), giai ương bằng lưới cước dày đảm bảo thức ăn và ốc con không lọt ra ngoài, diện tích giai ương từ từ 2 - 4 m², lưới đen che nắng, che mưa; mực nước duy trì trong giai từ 0,4 - 0,5m; mật độ ương từ 5.000 - 6.000con/m².
- Chăm sóc quản lý ốc con:
+ Thức ăn: Ốc con mới nở ra có tính ăn như ốc trưởng thành, gồm 2 loại thức ăn xanh là các loại lá cây không đắng, không độc như lá sắn, dọc mùng, bèo, rau các loại (rau muống, mùng tơi, rau ngót, rau cải bắp,…), bí đỏ, bí xanh... Thức ăn tinh là các loại ngũ cốc (bột đậu tương, cám gạo, bột sắn). Cho ốc ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối.
+ Hàng ngày cần quan sát hoạt động và kiểm tra các yếu tố môi trường của ao ương nuôi ốc giống để điều chỉnh kịp thời và duy trì các yếu tố môi trường ổn định, phù hợp với điều kiện phát triển của ốc.
- Thu hoạch: Sau thời gian ương ốc từ 30 - 35 ngày, ốc giống đạt kích cỡ từ 2.000 - 3.500 con/kg thì tiến hành thu hoạch ốc giống. Ốc giống sau khi thu hoạch được chuyển ra ao nuôi thương phẩm hoặc bán cho các hộ nuôi ốc thương phẩm.