Thời tiết Việt Nam
weather icon
--°C | --%
--, --/--/----
Theo dõi trên mạng xã hội        
E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Hotline: 0945938836
ai Tịnh Thùy (bên phải) học tập mô hình tại thị trấn Sịa.
ai Tịnh Thùy (bên phải) học tập mô hình tại thị trấn Sịa.

Thừa Thiên Huế: Giấc mơ đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng

Sinh ra và lớn lên tại Kim Long, thành phố Huế, Mai Tịnh Thùy (sinh năm 1990) có một tình yêu đặc biệt với thiên nhiên, cây cối. Thùy sớm nhận thức được tầm quan trọng của thực phẩm sạch đối với sức khỏe. Từ tình yêu với nông sản sạch, Mai Tịnh Thùy bén duyên và gắn bó với Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hương Long Saemaul. Cũng từ đây, giấc mơ đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng được "chắp cánh".



Duyên nợ với nông sản sạch

Mai Tịnh Thùy kể, mẹ chị là một người đầy tâm huyết, luôn chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm sạch cho gia đình. Những bữa cơm hàng ngày trong gia đình luôn được bà chuẩn bị từ những nguyên liệu tươi ngon, an toàn. Bà thường xuyên tìm đến những người trồng rau sạch có uy tín, hoặc tự trồng một số loại rau tại vườn nhà để đảm bảo an toàn thực phẩm cho cả gia đình.

Chính hình ảnh mẹ tỉ mẩn chọn lựa từng loại thực phẩm đã in đậm trong tâm trí Thùy từ khi còn bé. Tình yêu với nông sản sạch cũng dần hình thành từ đó. Không chỉ yêu thích những sản phẩm an toàn, mà còn muốn tìm hiểu về cách thức tạo ra chúng, đó là lý do chị đăng ký theo học chuyên ngành chăn nuôi thú y tại Trường Đại học Nông lâm Huế. Và cơ duyên đưa chị đến gần hơn với các loại nông sản sạch, khi tham gia hoạt động bán chuyên trách tại Hội Nông dân phường Hương Long, rồi trở thành Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường.

Khoảng thời gian gắn bó với hoạt động của Hội Nông dân, Tịnh Thùy có cơ hội tiếp xúc với nhiều mô hình nông nghiệp trên địa bàn, học hỏi thêm nhiều cách làm hay của bà con từ kỹ thuật trồng đến phát triển thị trường. Đến năm 2023, được sự hỗ trợ của Quỹ Saemaul Hàn Quốc tại Việt Nam, Thùy cùng với các hội viên góp vốn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hương Long Saemaul. Với vai trò Giám đốc Hợp tác xã, Thùy như được chắp thêm đôi cánh để sản xuất nông sản sạch.

Hiện thực giấc mơ nông sản sạch

Với diện tích phát triển nông nghiệp và khuôn viên trụ sở gần 17.000m2, trong giai đoạn đầu, dự án Saemaul đã hỗ trợ nhiều vật tư phục vụ cho hoạt động Hợp tác xã như: Máy cày, xe tải, hệ thống nhà lưới…, nhờ đó giảm thiểu phần nào chi phí đầu tư ban đầu của Hợp tác xã.

Thùy kể: "Giai đoạn đầu khi đưa Hợp tác xã vào vận hành, tôi và các thành viên Hợp tác xã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu kinh nghiệm, vốn mà còn đến từ những rào cản xã hội. Thế nhưng, sự động viên của các cô, chú trong ban vận động thành lập Hợp tác xã và các thành viên Hợp tác xã đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hình hướng đi".

Để hiện thực hóa mục tiêu, Thùy và các thành viên Hợp tác xã bắt đầu từ những loại rau, củ thông dụng như: Cải cúc, mồng tơi, bầu, bí… và đẩy mạnh việc sản xuất theo mô hình bền vững, thân thiện với môi trường.

"Mỗi tháng 4 chuyến, tôi và các thành viên Hợp tác xã đều đặn thu gom các phế phụ phẩm nông nghiệp thải ra từ chợ Đông Ba đưa về ủ với chế phẩm sinh học phục vụ cho việc sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng. Hợp tác xã cũng yêu cầu người dân cam kết không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thường xuyên giám sát, kiểm tra quy trình trồng trọt của người dân. Nhờ đó, diện tích trồng rau của Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn", Tịnh Thùy cho biết.

Qua một năm hoạt động, dù doanh thu mang lại chưa cao nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hương Long Saemaul đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Hiện, sản phẩm rau của Hợp tác xã đã có mặt tại một số cửa hàng uy tín trên địa bàn.

Nói về những dự định trong tương lai, Thùy chia sẻ, cùng với mở rộng diện tích trồng rau, Hợp tác xã sẽ đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn trong thời gian tới. Ngoài ra, Hợp tác xã dự kiến sẽ thúc đẩy phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, biến không gian Hợp tác xã thành khu trải nghiệm nông sản sạch cho người dân, nhất là học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn, truyền cho các em tình yêu với thiên nhiên, nông sản sạch… Cùng với đó, Hợp tác xã cũng duy trì hoạt động thu gom, sản xuất phân bón từ các phế phụ phẩm nông nghiệp, vừa phục vụ cho Hợp tác xã, vừa cung ứng cho thị trường.

Có thể bạn chưa biết

Ông Dương Ngọc Phước, giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế, người trực tiếp tư vấn phát triển Hợp tác xã cho hay, trong quá trình đồng hành cùng Hợp tác xã, tôi hiểu được phần nào về tâm huyết của Thùy với nông sản sạch cũng như mong muốn đồng hành cùng người dân trong xây dựng nên thương hiệu nông sản sạch Hương Long. Với tinh thần cầu tiến và làm việc có đam mê, Thùy tham gia rất nhiều khóa học, đi thực tế tìm hiểu các mô hình nông nghiệp của nhiều địa phương. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp Thùy và Hợp tác xã thành công trong thời gian tới.

HOÀNG ANH

Tác giả: Hoàng Anh
Nguồn: Báo điện tử Huế ngày nay


Viết bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu!
Phần có dấu (*) là thông tin bắt buộc và được hệ thống bảo mật theo quy định của pháp luật hiện hành.