Thời tiết Việt Nam
weather icon
--°C | --%
--, --/--/----
Theo dõi trên mạng xã hội        
E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Hotline: 0945938836
Nông dân phòng trừ sâu bệnh từ đầu vụ cho cây lúa.
Nông dân phòng trừ sâu bệnh từ đầu vụ cho cây lúa.

Thừa Thiên Huế: Ngành nông nghiệp ứng phó sâu bệnh hại lúa ngay từ đầu vụ

Vụ đông xuân 2024 - 2025 này mới gieo cấy chừng gần một tháng nhưng người dân đã chuẩn bị lo phòng trừ sâu bệnh. Nạn sâu bệnh có thể làm giảm năng suất lúa từ 10 - 15% và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Huế, ông Hồ Đính khẳng định, với phương thức canh tác theo kiểu "mạnh ai nấy làm" như hiện nay rất khó để xử lý triệt để nạn sâu bệnh và chuột, ốc bươu gây hại. Vẫn còn tình trạng người dân chưa chấp hành khung lịch thời vụ, ruộng gieo trước, ruộng thì cấy sau khiến công tác quản lý, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại thiếu đồng bộ, gặp nhiều khó khăn. Cùng trên một xứ đồng, người gieo giống lúa này, người gieo cấy giống khác, khi xảy ra sâu bệnh, mỗi người sử dụng các loại thuốc khác nhau cũng khiến việc phòng trừ sâu bệnh không đạt hiệu quả như mong muốn.



Tình trạng kinh doanh, buôn bán thuốc Bảo vệ thực vật tràn lan hiện nay rất khó quản lý, kiểm soát chất lượng. Tâm lý người dân chỉ thấy giá rẻ thì mua, chưa quan tâm đến chất lượng thuốc Bảo vệ thực vật. Trong khi lực lượng cán bộ Bảo vệ thực vật các cấp rất mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở, đại lý thuốc Bảo vệ thực vật, nhất là trong các hộ bán nhỏ lẻ. Chính quyền địa phương có nắm danh sách các cơ sở buôn bán thuốc Bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón nhưng chưa có kế hoạch kiểm tra, giám sát.

Theo cảnh báo của cơ quan Bảo vệ thực vật, vụ đông xuân 2024 - 2025 này đang đối diện với nhiều nguy cơ sâu bệnh gây hại như mọi năm. Biện pháp trước mắt được cơ quan Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đồng ruộng, phân công cán bộ bám đồng, các điểm điều tra cố định để nắm chắc các giai đoạn phát dục, dự báo, dự tính chính xác các đối tượng sinh vật gây hại. Từ đó, ra thông báo dự kiến tình hình sâu bệnh gây hại định kỳ 7 ngày, 30 ngày/lần và triển khai các biện pháp hướng dẫn người dân tổ chức phòng trừ.

Một trong những biện pháp khá quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương trong phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa, cây trồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố đang phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, Trung tâm Bảo vệ thực vật Khu 4… tổ chức tập huấn nâng cao năng lực điều tra phát hiện, chẩn đoán, giám định, phân lập sinh vật gây hại cây trồng cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật Bảo vệ thực vật.

Cán bộ Bảo vệ thực vật thường xuyên bám đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "bốn đúng" (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách). Cán bộ kỹ thuật khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Bao bì, chai lọ thuốc Bảo vệ thực vật phải được thu gom, xử lý đúng nơi quy định.


Tác giả: Thế Trí
Nguồn: Huế ngày nay Online


Viết bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu!
Phần có dấu (*) là thông tin bắt buộc và được hệ thống bảo mật theo quy định của pháp luật hiện hành.