Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Dậu, xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), hộ sản xuất na tiêu biểu của xã. Với diện tích 2ha, vườn na của anh Dậu trồng được gần 20 năm, hiện tại toàn bộ cây trong vườn của ga đình anh đều phát triển khỏe mạnh cho năng suất ổn định, sản lượng hàng năm đạt 30 tấn quả, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Mỗi năm, một cây na có thể cho thu trên 200, tương đương khoảng 25 - 30 kg/cây/năm. Để có được năng suất cao anh Dậu cũng chia sẻ: khi áp dụng biện pháp dải vụ cho na ra hoa, đậu quả vào 2 vụ, để cây có thời gian nghỉ, tránh hiện tượng cây bị khai thác quá mức cây sẽ yếu và cây dễ bị hỏng, chết cây. Nếu như vụ na chính vụ anh Dậu chăm sóc cắt tỉa cành, tạo hoa, quả ở đầu các cành thì đến vụ na chiêm anh Dậu sẽ sử dụng biện pháp cắt tỉa cành để lấy được lớp hoa, quả trong thân cây. Anh Dậu cũng chia sẻ: Để cây na ra hoa đậu quả đúng theo khung thời vụ thu hoạch vào tháng 10 - 12 hàng năm thì gia đình anh vừa phải kết hợp chăm sóc và thu hoạch na chính vụ vừa phải cắt tỉa cành từ tháng 6 để cây na ra hoa tạo quả trong thân cây.
Để vườn na gần 20 năm tuổi đảm bảo cho ra quả đều và phát triển bền vững qua các năm, ngoài kĩ thuật dải vụ na còn đặc biệt chú ý các biện pháp kỹ thuật chăm sóc: tưới nước, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cây na. Việc đảm bảo đủ các điều kiện và dinh dưỡng để bổ sung cho cây qua các thời kì là điều đặc biệt cần thiết để. Tuy nhiên, để cây có thể phát triển bền vững và cho năng suất ổn định như hiện nay thì gần 7 năm trở lại đây anh Dậu đã chuyển hướng sang sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ: phân gà ủ hoai mục, phân vi sinh,… hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học. Qua nhiều năm chuyển đổi anh Dậu thấy cây na sử dụng các loại phân hữu cơ cây bền hơn, quả ngọt và thơm hơn.
Cây na hiện đang là cây trồng chủ lực của huyện Lục Nam. Với tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện 10.180 ha, trong đó diện tích cây na là 1.750 ha, chiếm 17,2% tổng diện tích, đứng đầu tỉnh về diện tích và sản lượng. Diện tích na áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP đạt 1.500 ha; sản lượng đạt 12.900 tấn, trong đó đến hết năm 2023 có 195,1 ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 03 ha được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng sản xuất na tập trung ở các xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Cương Sơn…; sản lượng ước đạt 15.085 tấn, quả, tăng 1.105 tấn so với năm 2023. Trong đó, na chính vụ thu khoảng từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, sản lượng khoảng 8.200 tấn, giá bán từ 30 - 60.000 đồng/kg tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ; na trái vụ (hay còn gọi là na chiêm) cho thu hoạch khoảng từ tháng 10 - 12 hàng năm, sản lượng đạt 6.885 tấn, giá bán dự kiến từ 60.000 - 100.000 đồng/kg.
Đến nay, cây na trên địa bàn huyện đã có đầy đủ các thông tin logo, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm. Sản phẩm Na dai được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao đối với Hợp tác xã na dai Nghĩa Phương và Hợp tác xã sản xuất Na dai Lục nam năm.
Ông Phạm Văn Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Nam cho biết, hiện nay có 87% diện tích trồng na trên địa bàn huyện sản xuất rải vụ, áp dụng kỹ thuật thụ phấn điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và kéo dài thời vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12 (trước đây thu hoạch từ tháng 7 đến trung tuần tháng 8), do đó giá trị kinh tế, chất lượng quả na được nâng lên rõ rệt. Vụ na năm 2024, được đánh giá là năm được mùa sản lượng tăng 1.050 tấn; thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2023. Việc trồng na dai Lục Nam cũng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Doanh thu khoảng 310 triệu đồng/ha/năm.
Tác giả: Minh Nga
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang