Trái ngược với cảnh rộn ràng, nhộn nhịp mùa thu hoạch sầu riêng của nông dân, hàng loạt kho thu mua sầu riêng ở thủ phủ sầu riêng ở Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk vẫn "cửa đóng then cài".
Huyện Krông Pắc được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, với tổng diện tích hiện nay khoảng 10.000ha. Năm 2024, sản lượng sầu riêng dự kiến khoảng 92.000 tấn. Diện tích sầu riêng được cấp mã vùng trồng xuất khẩu là 34 mã, với diện tích 2.015ha. Cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động trên địa bàn huyện có 13 cơ sở.
Năm 2022, sản phẩm trái sầu riêng tươi được Cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận số 413207, chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC" cho tập thể Hội Nông dân huyện Krông Pắc. Sầu riêng được xác định là cây trồng chính, chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của huyện Krông Pắc.
Hiện nay, sầu riêng đã bước vào mùa thu hoạch chính vụ, người trồng sầu riêng tất bật vào vụ thu hoạch, các vườn sầu rộn rã tiếng nói cười của kẻ bán, người mua, công nhân thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều kho thu mua sầu riêng vẫn đang đóng cửa.
Dọc theo quốc lộ 26, đoạn qua xã Ea Knuêc và Ea Kênh, huyện Krông Pắc, không ít cơ sở, kho thu mua sầu riêng đóng cửa, dán bảng "cho thuê (bán) kho". Tại nhiều kho thu mua đang hoạt động, không khí cũng đìu hiu, vắng vẻ, tình trạng tranh mua tranh bán đã không còn.
Bà Nguyễn Thị Trường Sa (41 tuổi), trú thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh cho biết, nguyên do là mùa thu hoạch sầu riêng năm 2023, tình hình mua bán sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc diễn ra hết sức tấp nập, thậm chí nhiều đơn vị không có kho để thuê. Nhưng vụ thu hoạch năm nay, tình hình thu mua sầu riêng vắng vẻ, hàng loạt kho thu mua hiện vẫn đóng cửa.
Ông Trần Công Minh, cơ sở thu mua sầu riêng Đại Phúc, Km23, huyện Krông Pắc cho hay, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài khiến không ít quả sầu riêng bị sượng do dư nước, khiến tỉ lệ "hàng dạt" rất nhiều. Mỗi ngày, cơ sở Đại Phúc thu mua từ 10 - 50 tấn sầu riêng "hàng dạt", với giá từ 35 - 41.000 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc khẳng định: Tình hình mua bán sầu riêng năm nay ổn định, không có tình trạng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, không còn cò sầu riêng như năm trước. Thêm vào đó, thương lái lựa chọn rất kỹ để sàng lọc sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ngay từ giai đoạn thu mua. Những sản phẩm chất lượng sẽ được thương lái mua giá cao, còn sản phẩm không đạt sẽ mua giá thấp.
Mùa sầu riêng năm trước, tình trạng thu mua sầu riêng diễn biến phức tạp, nhiều người không hiểu được tình hình thực tế, ồ ạt xây dựng kho, nhưng không có người thuê. Thậm chí, có những đơn vị không rành về sầu riêng, nhưng vẫn thuê kho mua hàng dẫn đến bị thua lỗ.
"Năm nay, tình trạng đó không còn nữa nên nhiều cơ sở có tên kho nhưng không hoạt động. Muốn phát triển sầu riêng bền vững, các doanh nghiệp, nhà nông trồng sầu riêng, nhà quản lý (địa phương) và các nhà khoa học cần phải đồng hành, gắn kết với nhau", bà Ngô Thị Minh Trinh cho hay.
Để hoạt động thu mua sầu riêng diễn ra hiệu quả, an toàn, huyện Krông Pắc đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật, tránh trường hợp mua gian, bán lận, đánh tráo mã vùng trồng làm ảnh hưởng đến sản phẩm chất lượng của địa phương. Đồng thời, huyện đã thành lập các tổ để kiểm tra các mã vùng trồng trên địa bàn...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh Đắk Lắk có 32.785ha sầu riêng. Toàn tỉnh hiện có 251 cơ sở thu mua, trong đó, huyện Krông Pắc 101 cơ sở, huyện Cư M’gar 64 cơ sở, huyện Krông Búk 11 cơ sở, thị xã Buôn Hồ 10 cơ sở…
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 37 cơ sở cấp đông sầu riêng, với tổng công suất 3.170 tấn, trong đó, huyện Krông Pắk 15 cơ sở, thị xã Buôn Hồ 8 cơ sở, huyện Cư M’gar 5 cơ sở, thành phố Buôn Ma Thuột 3 cơ sở…