Vườn Quýt đường của ông Ngoan có quy mô 6.000 m2, với hơn 300 gốc. Ông bắt đầu trồng từ năm 2017. Sau 3 năm đưa vào trồng, cây quýt bắt đầu cho thu hoạch với năng suất tương đối ổn định, với 300 gốc quýt cho thu hoạch trung bình từ 10 - 12 tấn, giá cả ổn định bình quân từ 14 đến 16 ngàn đồng/kg thu tại vườn, sau khi trừ các khoản chi phí, thì thu nhập của gia đình dần ổn định. Nhận thấy thời gian cho thu hoạch chính vụ của quýt đường là vào tháng 9, tháng 10 hằng năm, vào thời điểm này rất nhiều loại cây ăn trái khác cũng cho thu hoạch nên giá bán thấp, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình. Năm 2020 ông bắt đầu xử lý ra trái mùa nghịch, bằng kinh nghiệm, sự nhạy bén trong việc học hỏi của bản thân, ông đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công tác nên ông đã thành công.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng quýt đường trái vụ, ông Ngoan cho biết: Để quýt ra trái vụ rất khó, thông thường nông dân sẽ dùng thuốc phun chặn đọt và tạo mầm, sau đó muốn cây ra hoa phải tiếp tục dùng thuốc kích thích để cây rụng lá già, tái tạo thế hệ mới và ra đọt non. Nhưng thay vì chọn cách dùng thuốc, với kinh nghiệm dày dặn sau nhiều năm công tác, ông Ngoan đã nắm vững kỹ thuật trồng quýt đường trái vụ bằng cách dùng bạt khống chế lượng nước trong đất, sau đó bón phân hữu cơ để cây tăng trưởng, tạo hoa, ra trái.
Nhờ việc làm chủ kỹ thuật trồng quýt đường trái vụ, với 6.000 m2 quýt đang trong thời điểm thu hoạch cho năng suất khoảng 10 - 12 tấn, giá thương lái thu mua tại vườn hiện là 22.000đ/kg chênh lệch so với mùa thuận từ 6 đến 8 ngàn đồng/kg, ông thu về trên 220 triệu đồng, trừ hết chi phí lãi trên 100 triệu.
Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân huyện nhà để nhân rộng mô hình hiệu quả này, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.