Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của người dân về thịt chất lượng cao của gà ô tía, ông Phù Thọ Lập ngụ ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương đã quyết định nuôi đối tượng này. Đây là một mô hình có nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với diện tích 7.000 m2 đất vườn trồng cây ăn trái (dưới chân núi), ông Lập dành một phần đất để xây dựng chuồng trại nuôi gà. Gà mới bắt về được úm trong chuồng, khi được 40 ngày tuổi thì thả ra ngoài để tự kiếm ăn, như vậy chất lượng thịt sẽ ngon hơn.
Khi mới bắt đầu, vì chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên ông Lập chỉ nuôi thử 200 con (giống gà nòi Bình Định) mua từ giống gà địa phương, ông vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Năm 2022, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang chọn thực hiện mô hình nuôi gà nòi ô tía thương phẩm theo hướng an toàn sinh học với quy mô 200 con/điểm. Nhà nước hỗ trợ 50% con giống, 50% vật tư và được hỗ trợ kỹ thuật đến khi kết thúc mô hình. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi ông đã nắm được kỹ thuật nuôi.
Từ mô hình nhận thấy giống gà nòi ô tía dễ nuôi, thích nghi với điều kiện địa phương, chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ và hiệu quả nên gia đình ông nuôi thêm 750 con.
Theo ông Lập, mô hình nuôi gà của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc. Ngoài thức ăn hỗn hợp, ông tận dụng thêm lúa, bắp, cám, rau xanh để tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, vốn đầu tư chuồng trại thấp. Để đạt kết quả khi nuôi là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phải phòng bệnh theo quy trình. Đặc biệt là giao thời giữa lứa gà cũ và lứa gà mới, sau khi bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại và xung quanh khu vực chăn thả.
Hiện tại, mỗi năm ông Lập nuôi khoảng 3 lứa gà ô tía, mỗi lứa từ 700 - 750 con. Theo ông, giống mua từ công ty giống Dabaco nuôi rất thích nghi với điều kiện khí hậu ở địa phương, chất lượng thịt thơm ngon, nguồn gốc con giống rõ ràng, nên ông an tâm trong việc đầu tư. Thông thường gà nuôi khoảng 3,5 - 4 tháng là có thể bán ra thị trường, trọng lượng trung bình 2kg/con, giá bán khoảng 90.000-95.000 đồng/kg.Với mô hình chăn nuôi mới này thu nhập của gia đình ông tương đối ổn định, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng/năm.
Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã Bình An. Qua mô hình cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhằm góp phần nâng cao đời sống, tạo thêm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng ở địa phương.