Góp ý       Thời tiết
Lâm Đồng: Chế biến chuyên sâu nâng cao giá trị sản phẩm rau OCOP

Lâm Đồng: Chế biến chuyên sâu nâng cao giá trị sản phẩm rau OCOP

ý kiến của bạn

Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản thế mạnh ở địa phương, tỉnh Lâm Đồng luôn khuyến khích các thành phần kinh tế nghiên cứu, đầu tư chế biến chuyên sâu. Thực tế cho thấy, chế biến chuyên sâu không chỉ giúp nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất, mà đây còn là giải pháp đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chuyên canh các loại nông sản ngắn ngày từ nhiều năm nay, ông Trần Văn Hòa ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương hiểu rất rõ tầm quan trọng của giải pháp đầu tư canh tác nông nghiệp bền vững. Bởi vậy, cùng với việc thường xuyên luân canh nhiều loại cây trồng khác họ để hạn chế tình trạng nấm bệnh tồn dư trong đất gây hại cây trồng, ông Hòa còn chú trọng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cho vườn cần tây rộng 6.000 m2 của gia đình. Với quy trình canh tác đảm bảo, mỗi vụ cần tây dao động từ 6 - 8 tuần, năng suất đạt từ 2 - 3 tấn/sào. Chất lượng vượt trội chính là cơ sở để ông Hòa thuận tiện trong việc liên kết với 1 doanh nghiệp ở địa phương tìm đầu ra đảm bảo.

Được thiên nhiên ưu đãi bởi khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng đặc trưng, huyện Đơn Dương là vùng sản xuất rau lớn của tỉnh Lâm Đồng. Với mong muốn phát triển kinh tế từ các loại nông sản ngắn ngày thế mạnh ở địa phương, chị Nguyễn Thanh Phương ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương đã thành lập doanh nghiệp để thuận tiện trong việc liên kết với HTX Rau VietGAP Lạc Lâm xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Song song đó, đầu tư nhà xưởng rộng 1.500 m2 để chế biến chuyên sâu các loại nông sản ngắn ngày như: Cần tây, diếp cá, rau má,… theo công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản. Với giải pháp liên kết đôi bên cùng có lợi, bình quân mỗi năm, doanh nghiệp thu mua cho nông dân địa phương từ 90 - 100 tấn rau các loại.

Chị Nguyễn Thanh Phương cho biết: Tất cả nguyên liệu sau khi chọn lọc và sơ chế sẽ được sấy lạnh, nghiền mịn, vô trùng trên dây truyền công nghệ cao khép kín của Nhật Bản. Chính vì thế, sản phẩm luôn giữ được toàn bộ những dưỡng chất cần thiết vốn có của thực phẩm tươi. Cũng từ nền tảng đó, doanh nghiệp của chị đã tập trung phát triển nhiều loại sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, như: Bột cần tây cỏ ngọt, bột diếp cá cỏ ngọt, bột rau má dừa đậu xanh,… Bình quân mỗi năm, hàng trăm ngàn sản phẩm được cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Sự phát triển đó không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần thắt chặt mối liên kết làm ăn với hàng chục nông hộ ở địa phương, hỗ trợ bà con đầu ra ổn định, nâng cao kỹ thuật canh tác bền vững…

Với giải pháp đó, chị Phương mong muốn cùng ngành Nông nghiệp địa phương phát triển các sản phẩm OCOP được chế biến chuyên sâu, nhằm đa dạng sản phẩm cung ứng cho thị trường, đẩy mạnh liên kết với nông dân, nâng cao giá trị nông sản thế mạnh ở địa phương. Đó cũng chính là nền tảng để chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP phát triển bền vững, mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân và doanh nghiệp.

Thực hiện: Anh VũNguồn: Đài PT-TH Lâm Đồng
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng