+35
°
C
Tây Ninh: Các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi
Ngành chức năng tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi

Tây Ninh: Các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Phản hồi bài viết này!

Dịch tả lợn (heo) châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, chỉ xảy ra ở loài heo, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Heo bệnh có khả năng chết lên đến 100%. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; virus có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của heo.

Bệnh lây lan trực tiếp từ heo bệnh sang heo chưa mắc bệnh, sản phẩm heo mang mầm bệnh hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay, trên thế giới chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch tả heo châu Phi.

Chủ động trong phòng, chống dịch bệnh

Tại Tây Ninh, năm 2019, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 78/95 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố; tổng số heo buộc phải tiêu huỷ là 32.825 con, trọng lượng trên 1.800 tấn. Năm 2020, bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi chỉ xảy ra tại 2 hộ/2 ổ dịch nhỏ lẻ tại xã Phước Vinh và xã Ninh Điền (huyện Châu Thành); có 15 con heo bị tiêu huỷ, trọng lượng khoảng 1 tấn.

Năm 2021, bệnh xảy ra ở 6 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, huyện Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành); tổng số heo buộc phải tiêu huỷ trên 4.700 con, trọng lượng 330 tấn. Năm 2022, bệnh xảy ra ở 4 huyện, thành phố (thành phố Tây Ninh, huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành); tổng số heo buộc phải tiêu huỷ khoảng 500 con, trọng lượng 27 tấn.

Từ năm 2023 đến nay, bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi không xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Thông tin của Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS), từ đầu năm đến ngày 19.8.2024, cả nước xảy ra 888 ổ dịch tại 46/63 tỉnh, thành phố; buộc tiêu huỷ trên 59.000 con heo, cao hơn 3,37 lần so với cùng kỳ năm 2023. Cả nước có 259 ổ dịch tại 88 huyện của 25 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Riêng tại khu vực 11 tỉnh miền Đông Nam bộ do Chi cục Thú y vùng VI quản lý, có 3 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.

Nhằm chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp về thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi, qua đó áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các giải pháp kỹ thuật như: chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng các biện pháp lý, hoá, sinh học và quản lý nhằm giảm thiểu, loại trừ các tác nhân gây bệnh có nguy cơ xâm nhiễm từ bên ngoài vào, tồn tại, lây lan bên trong, phát tán ra khỏi cơ sở, vùng chăn nuôi; giám sát dịch bệnh tại các cơ sở, vùng để phát hiện, dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ, tác nhân gây bệnh và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Khi tái đàn heo, người nuôi cần bảo đảm các yêu cầu an toàn sinh học, trong đó, chỉ nuôi tái đàn tại cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh; bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Tổ chức, cá nhân chăn nuôi cần phải kê khai với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn, tăng đàn theo quy định của Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT và Thông tư số 18/2023/TT-BNNPTNT; có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, người nuôi cần định kỳ lấy mẫu môi trường, nước, chất thải... xét nghiệm khẳng định không có virus dịch tả heo châu Phi đối với các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn.

Các bước nuôi tái đàn heo như sau: số lượng nuôi hợp lý, phù hợp với công suất nuôi của cơ sở để bảo đảm không có dịch bệnh tái phát trong khoảng thời gian ít nhất 21 ngày. Hằng ngày, cơ sở chăn nuôi theo dõi, giám sát chặt chẽ số heo nuôi chỉ báo trong thời gian ít nhất 21 ngày; trường hợp cần thiết lấy mẫu xét nghiệm phát hiện mầm bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi (chủ cơ sở có thể tự lấy dưới sự giám sát của cán bộ thú y hoặc cán bộ thú y cơ sở thực hiện việc lấy mẫu). Trường hợp nghi heo bị bệnh, người nuôi phải khai báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Sau khi nuôi chỉ báo ít nhất 21 ngày, nếu heo không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi (áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm), thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở. Chính quyền địa phương và cơ quan thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, buôn bán heo trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn. Đối với cơ sở chăn nuôi, cần thực hiện tổng vệ sinh, thu gom, quét dọn, phát quang cây cỏ xung quanh khu vực chăn nuôi; định kỳ tiêu độc sát trùng môi trường bằng hoá chất ít nhất 1 lần/tuần; thường xuyên sát trùng dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển; sử dụng vôi bột ở các tuyến đường đi lại với số lượng đủ chiều dài để vòng quay của bánh xe được vôi phủ kín định kỳ 1 tuần/lần; có hố sát trùng trước cổng ra, vào cơ sở nhằm triệt tiêu đường truyền lây của mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Về vaccine phòng bệnh, hiện nay có 2 loại: AVAC ASF LIVE, sử dụng cho heo 4 tuần tuổi trở lên; NAVET-ASFVAC, sử dụng cho heo con từ 8-10 tuần tuổi.

Chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, an toàn dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi góp phần ổn định tình hình dịch bệnh và hướng tới một nền chăn nuôi phát triển bền vững, theo hướng công nghiệp, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra góp phần tăng năng suất và sản phẩm chăn nuôi. Việc xây dựng cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh, phát triển chăn nuôi để có đủ sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng, cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường- nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới, một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Do đó, có thể thấy, việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh là rất cần thiết, trước mắt là trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi có những diễn biến phức tạp mà về lâu dài còn để hướng đến một nền chăn nuôi bền vững.

Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện là Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (50 cơ sở chăn nuôi gà, 20 cơ sở chăn nuôi heo, 1 cơ sở chăn nuôi bò). Ngoài ra, 6 xã thuộc huyện Gò Dầu đã được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà, 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung thịt heo. Việc nhập khẩu thịt nhằm đáp ứng nhu cầu, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng càng tạo thêm áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi. Do đó, giải pháp tối ưu là phát triển chăn nuôi toàn diện, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.


Tác giả: Trúc Ly
Nguồn: Báo điện tử Tây Ninh


Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

Thứ năm, 07/03/2024

Quảng Ninh: Đền Xã Tắc - Nơi trấn yên bờ cõi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Tọa lạc tại bờ sông Ka Long (dòng sông nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc), Đền Xã Tắc, phường Ka Long, thành phố Móng Cái được coi là "cột mốc văn hóa" , khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu…
Thứ hai, 13/11/2023

Gỏi cá Sơn La - Món ăn chỉ có ở những địp đặc biệt của người Thái

Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo trong các món thường để đem ra thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu "xép nhứa cin nhứa ma, xép pa cin pa cỏi", nghĩa là "thèm thịt thì ăn thịt chó, thèm cá thì ăn cá gỏi". Ngày nay, món cá gỏi không chỉ có đồng bào dân tộc Thái chế…
Thứ ba, 25/06/2024

Cùng tìm hiểu về những đặc điểm sản phẩm lúa lai 3 dòng Syn8

Giống lúa lai 3 dòng Syn8 được Syngenta Việt Nam đưa vào sản xuất thử nghiệm từ năm 2020. Qua khảo nghiệm, đánh giá, đây là giống lúa siêu ưu việt nhờ đặc tính chịu rét tốt, đẻ nhánh tập trung, trổ nhanh, chống đổ ngã, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, sọc lá vi khuẩn, ít nhiễm rầy, gạo trong, cơm ngon, dẻo. Giống có thời gian sinh trưởng dao động…
 

Chứng nhận tín nhiệm mạng