Góp ý       Thời tiết
Lâm Đồng: Chuỗi liên kết sản xuất và xây dựng mã số vùng trồng cây ăn quả
Xây dựng mã số vùng trồng cây ăn quả

Lâm Đồng: Chuỗi liên kết sản xuất và xây dựng mã số vùng trồng cây ăn quả

ý kiến của bạn

Huyện Cát Tiên hiện có tổng diện tích cây ăn quả gần 1.400 ha với các loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam, quýt, mít,… Để nâng cao chất lượng trái cây đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ, đồng thời đảm bảo nguồn tiêu thụ ổn định cho nông dân, huyện Cát Tiên đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả chủ lực của huyện.

Trong gần chục năm trở lại đây, xã Quảng Ngãi là một trong những địa phương trên địa bàn huyện Cát Tiên có sự chuyển dịch mạnh về chuyển đổi giống cây trồng trong phát triển kinh tế. Những cánh đồng mía bạt ngàn luôn bấp bênh trong điệp khúc "được mùa, mất giá" đã dần được thay thế gần hết bằng những vườn cây ăn quả xanh tốt, đẹp mắt, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Điểm đặc biệt, các vườn cây ăn quả ở xã Quảng Ngãi đều được các nông hộ chú trọng canh tác theo tiêu chuẩn vườn mẫu nên đã tạo sự thay đổi lớn về cảnh quan sinh thái trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và cung cấp cho người tiêu dùng những loại trái cây thơm, ngon, ngọt như: sầu riêng, bưởi da xanh, mít thái,… Gia đình anh Nguyễn Văn Triều ở thôn 2, xã Quảng Ngãi có hơn 2 ha đất sản xuất. Trên diện tích đất này, anh đã trồng 400 cây sầu riêng giống Ri6 và Thái, đồng thời trồng xen một số cây mít thái ở xung quanh vườn. Để vườn cây phát triển xanh tốt và thuận lợi trong việc chăm sóc, khi trồng, anh Nguyễn Văn Triều đã quy hoạch lại vườn gọn gàng, tiến hành đào rãnh thoát nước và lắp hệ thống tưới nước tự động trong vườn. Trong quá trình trồng và chăm sóc vườn cây, anh Triều đã tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, thường xuyên thăm vườn, tỉa cành và áp dụng biện pháp phát cỏ để giữ độ ẩm cho đất và bảo vệ đất không bị xói mòn, rửa trôi. Đến nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Triều phát triển xanh mướt, đẹp mắt và mô hình vườn sầu riêng của gia đình anh đã được công nhận là mô hình vườn mẫu. Đặc biệt, niềm vui lớn đối với anh Triều và các nông hộ trồng sầu riêng trên địa bàn xã Quảng Ngãi là vào tháng 02/2023, xã Quảng Ngãi đã được công nhận mã số vùng trồng cho cây sầu riêng trên tổng diện tích 80,4 ha. Anh Nguyễn Văn Triều chia sẻ: "Tôi và các nông hộ trồng sầu riêng ở trong xã đều rất vui khi cây sầu riêng ở xã đã được cấp mã số vùng trồng, chúng tôi hi vọng từ đây sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ để nhiều người biết đến chất lượng sầu riêng của chúng tôi và cũng mong muốn đưa được sầu riêng địa phương xuất khẩu đi nước ngoài".

Tại xã Đức Phổ, với tổng diện tích cây ăn quả hiện có là 500 ha, trong đó có 330 ha đang ở thời kỳ kinh doanh, từ nhiều năm nay, xã Đức Phổ là một trong những vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của huyện Cát Tiên, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc vận động, khuyến khích nông dân canh tác cây ăn quả theo tiêu chuẩn vườn mẫu và áp dụng kỹ thuật theo tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy đã cung cấp cho người tiêu dùng các loại trái cây thơm ngon. Ông Lê Doãn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phổ cho biết: "Cùng với việc địa phương phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức hội thảo về kỹ thuật trồng cây ăn quả cho các nông hộ thì các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn xã cũng đều chủ động tìm tòi, học hỏi, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình canh tác cây ăn quả như: Lắp đặt hệ thống tưới tự động, thiết kế rãnh thoát nước trong vườn, sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học an toàn, thân thiện với môi trường, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo đúng chu kỳ, mùa vụ,… vì vậy mà nhiều nông hộ mỗi năm đã có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Địa phương đã có 5 ha trồng măng cụt được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và có 1,4 ha măng cụt được công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ".

Triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, trong những năm qua, huyện Cát Tiên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động nông dân cải tạo diện tích vườn điều kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu nhằm giảm diện tích thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha và tăng diện tích thu nhập trên 100 triệu đồng/ha; đồng thời mở rộng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng và đổi mới tổ chức sản xuất, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, toàn huyện đã có trên 50% diện tích trồng cây ăn quả áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm và phun thuốc tự động cho cây ăn quả, đồng thời toàn huyện đã xây dựng được 69 vườn mẫu đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Huyện Cát Tiên hiện đã duy trì hoạt động của 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả với diện tích 280 ha, qua đó đảm bảo được 3 mục tiêu "Vật tư dịch vụ đầu vào ổn định, chất lượng - Tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định - Tạo giá trị gia tăng cho người nông dân sản xuất", đem lại giá trị gia tăng từ 10 - 25% so với sản xuất chưa có liên kết, đồng thời chất lượng nông sản được quản lý chặt chẽ, truy xuất được nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện Cát Tiên đã có 5 vùng liên kết sản xuất sầu riêng tại các xã như Quảng Ngãi, Nam Ninh, Tiên Hoàng và Đồng Nai Thượng được công nhận mã số vùng trồng với tổng diện tích 404,7 ha. Đây là cơ sở thuận lợi để các loại trái cây của huyện Cát Tiên vươn tới các thị trường tiêu thụ và sàn thương mại điện tử có yêu cầu cao, xa hơn là hướng đến xuất khẩu bằng chính nhãn hiệu của địa phương khi đã truy xuất được nguồn gốc và được quản lý chặt chẽ về chất lượng.

Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: "Huyện tiếp tục tập trung vận động nông dân chuyển đổi vườn tạp và các diện tích trồng điều kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên việc phát triển này phải đảm bảo quy hoạch vùng sản xuất, nhất là chú trọng kiểm soát việc trồng mới cây sầu riêng theo hướng chỉ phát triển trồng mới ở những vùng đất phù hợp, có điều kiện nguồn nước và chăm sóc, khuyến cáo nông dân không trồng cây sầu riêng theo "trào lưu" để ngăn ngừa rủi ro, thiệt hại sau này. Huyện cũng tiếp tục củng cố và nâng cao tổ chức sản xuất, quản lý truy xuất nguồn gốc cho một số nông sản chủ lực, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; tiếp tục phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và các địa phương để quản lý các mã số của 5 vùng trồng sầu riêng đã được công nhận và xây dựng mã số vùng trồng mới cho một số cây quả chủ lực trên địa bàn huyện, cụ thể đã làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp mã số vùng trồng cho hơn 10 ha trồng cây măng cụt, gần 55 ha trồng sầu riêng cùng thuộc địa bàn xã Đức Phổ và 15,8 ha trồng bưởi ở xã Quảng Ngãi. Tiêu chuẩn của các loại trái cây được trồng tại huyện mà chúng tôi hướng đến là sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sạch và an toàn cho người sử dụng".


Ngân Hậu
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Cát Tiên (Lâm Đồng)
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng