Giữa bạt ngàn cà phê có một vườn cây ăn trái với sầu riêng, măng cụt trĩu cành, từ hàng chục năm nay mang lại no ấm cho người nông dân. Đó là vườn trái cây của gia đình ông Vũ Hoàng Dũng, Thôn 1, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Ông Võ Pháp Luật - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm giới thiệu về ông Vũ Hoàng Dũng với lời nhận xét rất ấn tượng: "Hộ ông Dũng là nông dân trồng chuyên canh hai loại cây ăn trái hiệu quả, cây sầu riêng và cây măng cụt. Đồng thời, gia đình cũng đang cùng xây dựng mã số vùng trồng cho diện tích sầu riêng, sẵn sàng đưa trái sầu riêng Tân Lạc xuất khẩu chính ngạch".
Vườn sầu riêng của gia đình ông Vũ Hoàng Dũng là vườn sầu riêng trồng thuần trên đất dốc. Ông Dũng bảo, từ năm 2000, ông đã có ý định trồng sầu riêng. Nhưng lúc ấy, nguồn giống chưa đảm bảo, gần 200 cây sầu riêng lẫn nhiều giống khác nhau. Qua nhiều năm chọn lựa, cải tạo, ông còn trồng được 60 cây sầu riêng Thái đã bước vào tuổi trưởng thành, cho năng suất ổn định. Hiện tại, với diện tích xấp xỉ 2 ha, ông đã trồng thêm gần 200 cây từ 3-6 năm tuổi, có cây bắt đầu cho trái.
Đưa khách đi thăm vườn sầu riêng, ông Vũ Hoàng Dũng chia sẻ, đất Thôn 1 rất dốc, sầu riêng chủ yếu trồng trên các sườn đồi với độ dốc cao. Trồng sầu riêng đất dốc vừa có lợi, vừa có vấn đề phát sinh. Đầu tiên là cây sầu riêng trồng đất dốc rất thoáng, rễ không bị úng, ngập vào mùa mưa, rễ khỏe, hút dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, trồng trên đồi dễ bị xói mòn, sạt lở. Ông Dũng chia sẻ: "Trồng cây ăn trái trên sườn đồi, nông dân phải giữ được thảm cỏ. Giữ thảm cỏ rất có lợi cho cây ăn trái, vừa chống xói mòn, vừa giữ ẩm, tạo môi trường đa dạng cho đất. Như nhà tôi để cỏ mọc tự nhiên, khi cỏ cao dùng máy phát sát gốc chứ không bao giờ bơm thuốc diệt cỏ". Nhờ cách trồng sầu riêng hòa thuận với môi trường, diện tích sầu riêng của ông Dũng rất xanh. Vụ sầu riêng 2023, ông dự tính thu được 10-12 tấn trái.
Không chỉ có sầu riêng, ngay khi định cư trên quê hương Bảo Lâm những năm 1990, ông Vũ Hoàng Dũng đã thử trồng ít cây măng cụt, giống cây vốn là đặc sản của xứ miền Tây Nam Bộ sông nước. Măng cụt vốn lâu ra trái nhưng ông Dũng không nản lòng, vừa chăm vườn măng cụt, vừa trồng thêm cây ngắn ngày để có thu nhập. Được chăm bón và hưởng khí hậu cao nguyên, vườn măng cụt ra trái vào năm thứ 7. Vậy là thành công, ông Dũng tiếp tục nhân rộng diện tích măng cụt vườn nhà. Hiện, ông đang có vườn măng cụt trồng thuần trên 1 ha, với 120 cây đều đang cho trái, cây trồng lâu nhất đã ở tuổi 30, cây nhỏ nhất 16 năm. Ông Dũng đánh giá: "Măng cụt là giống cây sinh trưởng chậm, lâu cho trái. Nhưng bù lại, cây sống rất lâu, sức sống tốt, ít phải chăm sóc. Đặc biệt, năm nào ít mưa thì măng cụt rất sai trái. Vụ 2023, nhà tôi ước thu được 15-18 tấn trái, là vụ cho năng suất rất cao".
Không chỉ ông Dũng, bà con Tân Lạc trồng cây ăn trái đều gặp một thuận lợi lớn: lệch vụ thu hoạch. Cả sầu riêng, cả măng cụt Tân Lạc ra trái khá ngon, lại lệch thời gian với các vùng khác nên giá bán trên thị trường rất ổn. Nếu sầu riêng hiện tại, khu vực Đạ Huoai, Đạ Tẻh đã thu gần xong thì Tân Lạc trái sầu riêng mới lác đác hái lựa. Tới tháng 10, tháng 11, sầu riêng Tân Lạc vẫn còn trái bán. Măng cụt cũng tương tự khi hiện tại, trái măng cụt còn xanh ngắt, chưa tới vụ thu trong khi mùa măng cụt miền đồng bằng sông Cửu Long đã tới cuối vụ.
Tính trung bình hàng năm, vườn măng cụt nhà ông cho thu 12-14 tấn trái, với giá bán đổ đồng 50 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình thu xấp xỉ 450 triệu đồng/ha. Ông Vũ Hoàng Dũng tâm sự.
Đặc biệt, chăm măng cụt cần kỹ thuật cao nhưng chi phí không quá tốn kém, công lao động không nhiều, rất phù hợp với nông hộ ít người. Với vườn sầu riêng, ông Dũng đang cùng gần 20 hộ khu vực Thôn 1 cùng xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Ông cho biết: "Doanh nghiệp, rồi xã đang hướng dẫn nông dân thủ tục để xây dựng mã số vùng trồng. nông dân chúng tôi xác định trồng đúng chuẩn, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, hi vọng việc xây dựng mã số vùng trồng sẽ nhanh chóng được thông qua. Bà con vẫn nhắc nhau trồng sầu riêng chú ý phun, tưới, đảm bảo quả sầu riêng an toàn, không bị trả hàng, để đầu ra được lâu dài".
Ông Võ Pháp Luật đánh giá, ông Vũ Hoàng Dũng cũng như bà con Tân Lạc đều là những nông hộ năng động, trồng và canh tác cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và rất có ý thức giữ gìn thương hiệu sầu riêng Tân Lạc. Ông Luật cũng cung cấp thêm, năm 2023, Tân Lạc có 300 ha sầu riêng tham gia xây dựng mã số vùng trồng và đang tích cực thực hiện các yêu cầu của phía Trung Quốc để nhanh chóng đưa trái sầu riêng Tân Lạc xuất ngoại.