+35
°
C
Quảng Nam: Triển vọng mô hình liên kết nuôi dúi thương phẩm
Quảng Nam: Triển vọng mô hình liên kết nuôi dúi thương phẩm

Quảng Nam: Triển vọng mô hình liên kết nuôi dúi thương phẩm

Phản hồi bài viết này!

Đến thăm trang trại nuôi dúi của chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) vào một buổi chiều trung tuần tháng 7, chúng tôi rất ấn tượng bởi sự quy hoạch, thiết kế chuồng trại nuôi rất bài bản và khoa học.

Với diện tích đất đai của khu vườn rộng, chuồng nuôi được xây dựng theo từng khu (dúi sinh sản, dúi thương phẩm, được phân khu tách biệt). Vị trí chuồng nuôi dúi sinh sản xây dựng nơi yên tĩnh, sử dụng dung dịch thảo dược để khử mùi hôi và giúp ngăn chặn vi sinh vật kí sinh có điều kiện phát triển, thoáng mát, sạch sẽ. Chị Phượng chia sẻ, sau gần 12 năm khởi nghiệp với mô hình nuôi con dúi, cũng gặp không ít thất bại, nhưng không nản lòng mà nỗ lực vượt qua, chị từng bước tìm cách tiếp cận và đưa con dúi ra thị trường cả nước.

Chị Phượng kể, năm 2011 tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng - Chuyên ngành Kinh tế phát triển. Ra trường, thay vì ở lại thành phố xin việc vào cơ quan nhà nước hay công ty để làm công ăn lương ổn định, chị Phượng quyết định trở về quê hương theo đuổi đam mê khởi nghiệp với mô hình nuôi con dúi. Thời gian đầu, ba mẹ chị phản đối rất kịch liệt, vì mong con gái thoát cảnh chân lấm tay bùn ở vùng thôn quê hẻo lánh, nhưng thấy chị quyết tâm theo đuổi nghề nuôi dúi thì dần dần cũng ủng hộ.

Xuất phát điểm, từ số vốn ít ỏi của gia đình tích góp được (hơn 15 triệu đồng), chị ra Thái Nguyên mua 15 cặp dúi giống, nhưng trên đường đi về chết mất 14 cặp, chỉ còn sống sót 01 cặp. Như vậy, toàn bộ số tiền của tích góp gần như tiêu tan. Quyết không bỏ cuộc, chị Phượng vay mượn của người thân 01 cây vàng bán làm vốn và mua thêm 35 cặp dúi giống khác về thả nuôi. Tuy nhiên, do không chủ động được nguồn thức ăn, cộng với thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi nên đàn dúi chết gần 40%. Không nản lòng trước thất bại ban đầu, chị Phượng quyết định đi tham quan, học hỏi ở các hộ nuôi thành công trong và ngoài tỉnh, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để trang bị kiến thức cho mình. Với những kiến thức hỏi được trong những chuyến tham quan, cộng với học hỏi qua sách, báo và truy cập thông tin Internet…, từ những cặp dúi bố mẹ còn lại, chị đã nhân giống thành công, đưa đàn dúi lên hàng trăm con. Chị bắt đầu mở rộng chuồng trại phát triển đàn dúi theo hình thức công nghiệp. Nhưng, sau vài năm nhận thấy nuôi dúi theo hình thức này kém ổn định, thị trường tiêu thụ dúi thương phẩm và dúi giống ngày càng khó cạnh tranh. Từ năm 2017 đến nay, để thay đổi hướng đi riêng, chị chuyển sang nuôi dúi theo hướng bán hoang dã. Với cách nuôi này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều và ngày càng ổn định.

Chị Phượng cho biết thêm: nếu nuôi dúi theo kiểu công nghiệp thì khoảng 5-6 tháng, mỗi con dúi đạt trọng lượng 1,5 kg là xuất bán được. Còn nuôi dúi theo hướng thuần tự nhiên thì kéo dài 7-8 tháng. Thời gian chăm sóc dúi kéo dài nhưng bù lại chất lượng da, thịt ngon hơn nhiều và được khách hàng rất ưa chuộng. Khi chọn dúi giống để nuôi sinh sản, đối với dúi cái, cần chọn những cá thể càng nhiều vú càng tốt (nhiều nhất là 8 vú) bởi, theo kinh nghiệm, những cá thể này mỗi lứa sẽ đẻ nhiều con, khi được chăm tốt, sẽ có nhiều sữa để cho con bú. Còn đối với dúi đực, cần chọn những cá thể đầu to, thân dài và có 2 tinh hoàn to; một cá thể dúi đực có thể ghép với 4 - 5 cá thể dúi cái. Với những đặc điểm trên, khi được chọn để ghép, phối dúi mới sinh sản tốt và nhân đàn nhanh.

Hiện nay chị Phượng đang sở hữu 2 trại nuôi dúi thuần tự nhiên, diện tích chuồng nuôi khoảng 300m², với tổng đàn dúi luôn duy trì từ 500-600 con (cả dúi sinh sản và dúi thịt). Chuồng trại nuôi được thiết kế thành các khu cách biệt để khách tới tham quan, học tập…, nhưng không ảnh hưởng dúi mẹ sinh sản. Chị Phượng thuê nhân công trồng tre, nứa, mía, khoai sắn, bắp… quanh khu đất vườn đồi để làm thức ăn cho dúi. Nhờ đó, chị luôn chủ động nguồn thức tại chỗ, thay vì cho thức ăn công nghiệp như trước đây. Sau khi trừ các chi phí mỗi năm chị có thể đem về từ 300 - 320 triệu đồng. Mô hình liên kết nuôi dúi thương phẩm của chị Phượng được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận ý tưởng/dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020.

Ngoài nuôi dúi tại trang trại, chị Phượng còn xây dựng chuỗi liên kết nuôi dúi thương phẩm. Đến nay, có hơn 50 hộ chăn nuôi dúi trên cả nước tham gia chuỗi liên kết này. Mỗi tháng chị Phượng cung cấp ra thị trường khoảng 200 - 300 con dúi thương phẩm (thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh phía Nam) và gần 200 cặp dúi giống ra thị trường. Theo giá thị trường, dúi thương phẩm nuôi khoảng 8-10 tháng đạt 1,5-2,0 kg, giá thành khoảng 500-700 nghìn đồng/kg; dúi giống bán giá từ 1,5- 2 triệu đồng/cặp/tuỳ theo trọng lượng.

Anh Trịnh Ngọc An - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phú Ninh cho biết, mô hình nuôi con dúi của chị Phượng rất phù hợp với vùng bán sơn địa xã Tam Lãnh. Ngành chức năng luôn vận động bà con nông dân các xã nhân rộng mô hình để phát huy vai trò của liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thực phẩm cho nhu cầu xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, với mục tiêu tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.


Phan Đăng Danh
Trung tâm khuyến nông Quảng Nam

Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

Thứ năm, 07/03/2024

Quảng Ninh: Đền Xã Tắc - Nơi trấn yên bờ cõi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Tọa lạc tại bờ sông Ka Long (dòng sông nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc), Đền Xã Tắc, phường Ka Long, thành phố Móng Cái được coi là "cột mốc văn hóa" , khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu…
Thứ hai, 13/11/2023

Gỏi cá Sơn La - Món ăn chỉ có ở những địp đặc biệt của người Thái

Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo trong các món thường để đem ra thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu "xép nhứa cin nhứa ma, xép pa cin pa cỏi", nghĩa là "thèm thịt thì ăn thịt chó, thèm cá thì ăn cá gỏi". Ngày nay, món cá gỏi không chỉ có đồng bào dân tộc Thái chế…
Thứ ba, 25/06/2024

Cùng tìm hiểu về những đặc điểm sản phẩm lúa lai 3 dòng Syn8

Giống lúa lai 3 dòng Syn8 được Syngenta Việt Nam đưa vào sản xuất thử nghiệm từ năm 2020. Qua khảo nghiệm, đánh giá, đây là giống lúa siêu ưu việt nhờ đặc tính chịu rét tốt, đẻ nhánh tập trung, trổ nhanh, chống đổ ngã, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, sọc lá vi khuẩn, ít nhiễm rầy, gạo trong, cơm ngon, dẻo. Giống có thời gian sinh trưởng dao động…
 

Chứng nhận tín nhiệm mạng