Góp ý     Thời tiết     Hỏi đáp  
Vĩnh Long: Mưa lớn làm hơn 1.500ha lúa đổ ngã

Vĩnh Long: Mưa lớn làm hơn 1.500ha lúa đổ ngã

ý kiến của bạn

Những ngày qua, mưa lớn làm nhiều diện tích lúa đã chín bị ngã, đổ sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và khó khăn trong việc thu hoạch. Nhiều nông dân đã phải bó lúa lại, tháo nước ra khỏi ruộng để tránh hao hụt.

Có 11 công ruộng đang trong giai đoạn chín xanh bị đổ ngã sau 2 cơn mưa lớn, chú Đặng Liên Quang (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) đã phải gom lúa lại thành từng bó để lúa chín chờ thu hoạch.

"Tôi phải bó lại chớ để lúa nằm rạp thì vừa khó cắt, vừa hao, năng suất giảm. Vụ rồi còn được gần 30 giạ/công, vụ này chắc còn chừng chưa tới 20 giạ/công".

Còn chưa đầy 1 tuần nữa thì thu hoạch lúa nhưng mưa lớn cũng khiến 5 công lúa của chú Lê Văn Bảy (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) bị đổ ngã gần 40%.

Chú Bảy cho hay: "Lúa bị ướt là có mộng, có nguy cơ hư phân nửa. Hy vọng mấy ngày tới trời nắng để thu hoạch chứ không mùa này coi như huề vốn".

Có 4 công lúa bị sập do mưa, chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cũng cho hay: "Lúa đổ ngã nằm sát đất không thể thu hoạch bằng máy mà phải gặt bằng tay nên tốn nhiều thời gian, công sức.

Không chỉ vậy, năng suất lúa cũng bị ảnh hưởng, lúa không còn đẹp nên thương lái chắc sẽ chê, giá bán thấp hơn. Giờ gia đình tôi tranh thủ cắt tay, tháo nước ra ruộng".

Ông Trần Hoàng Nam - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Đức, huyện Long Hồ cho hay: Trên địa bàn huyện trà lúa còn 10 - 20 ngày nữa sẽ thu hoạch. Mưa lớn cũng đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa và năng suất lúa của nông dân.

Địa phương cũng đã liên hệ lực lượng quân sự đến hỗ trợ người dân thu hoạch lúa bị đổ ngã. Để giảm bớt thiệt hại cho bà con, địa phương tiếp tục vận động nông dân tháo nước kịp thời cũng như dùng các biện pháp nâng đỡ lúa, chờ thu hoạch, tranh thủ thời tiết khô ráo để thu hoạch lúa, phơi lúa nhằm tránh thiệt hại.

Nhiều nông dân cho hay, vụ lúa Hè Thu năm nay sản xuất trong điều kiện khó khăn hơn. Vào thời điểm đầu vụ nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho cỏ và một số loại sâu bệnh gây hại, đến khi lúa trổ thì gặp phải mưa, giờ đến chín thì bị mưa bão lúa đổ ngã.

Do đó, vụ lúa này không chỉ năng suất lúa giảm mà chất lượng lúa, giá lúa cũng sẽ bị ảnh hưởng giảm theo.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn tỉnh, từ ngày 20 - 24/6, mưa giông đã làm thiệt hại hơn 1.500ha lúa, chủ yếu là lúa đổ ngã trong giai đoạn trổ chín gây thất thoát sau thu hoạch.

Trong đó, gần 780ha thiệt hại từ 5 - 10%; trên 500ha thiệt hại từ 10 - 20%; trên 200ha thiệt hại từ 20 - 40%; 34ha thiệt hại 60%.

Ước tổng thiệt hại khoảng 8,4 tỷ đồng. Sau khi mưa giông xảy ra, văn phòng thường trực ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện kết hợp Ủy ban nhân dân các xã bị thiệt hại khảo sát thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương, hỗ trợ người dân thu hoạch lúa Hè Thu đến thời kỳ thu hoạch bị đổ ngã, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng thời, khảo sát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ dân bị ảnh hưởng, thực hiện các quy trình, thủ tục để hỗ trợ cho các hộ dân trong diện được hỗ trợ theo quy định.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, tính đến thời điểm này, lúa Hè Thu 2024 đã thu hoạch 5.400ha, ước tính năng suất bình quân 6,37 tấn/ha, diện tích lúa còn lại đang giai đoạn trổ chín và đang thu hoạch khoảng 31.000ha.

Các trà lúa đang vào giai đoạn trổ - chín đến thu hoạch nhưng hiện nay do tình hình thời tiết diễn biến bất thường (có thể mưa kèm theo gió lớn) nên cần chú ý diện tích lúa bị đổ ngã thời gian tới có khả năng gia tăng nhất là trên trà lúa chắc xanh - chín.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật khuyến cáo: Hiện đang trong giai đoạn thời tiết cực đoan, thay đổi thất thường, mưa nhiều và lớn kèm theo những cơn giông sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa, nhất là giai đoạn chín, sắp thu hoạch.

Để hạn chế đổ ngã trên cây lúa cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp như: bón phân cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm, bổ sung thêm kali, canxi, silic… nhằm tăng cường tính chống chịu cho cây lúa làm cho thân và rễ lúa cứng cáp hơn đồng thời nên rút nước khô ruộng 7 - 10 ngày trước thu hoạch để mặt đất cứng tránh đổ ngã và dễ thu hoạch.

Thực hiện: Nguyên KhangNguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/nong-nghiep/202406/mua-lon-hon-1500ha-lua-do-nga-3184568/

Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

Thứ năm, 07/03/2024

Quảng Ninh: Đền Xã Tắc - Nơi trấn yên bờ cõi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Tọa lạc tại bờ sông Ka Long (dòng sông nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc), Đền Xã Tắc, phường Ka Long, thành phố Móng Cái được coi là "cột mốc văn hóa" , khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu…
Thứ hai, 13/11/2023

Gỏi cá Sơn La - Món ăn chỉ có ở những địp đặc biệt của người Thái

Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo trong các món thường để đem ra thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu "xép nhứa cin nhứa ma, xép pa cin pa cỏi", nghĩa là "thèm thịt thì ăn thịt chó, thèm cá thì ăn cá gỏi". Ngày nay, món cá gỏi không chỉ có đồng bào dân tộc Thái chế…
Thứ ba, 25/06/2024

Cùng tìm hiểu về những đặc điểm sản phẩm lúa lai 3 dòng Syn8

Giống lúa lai 3 dòng Syn8 được Syngenta Việt Nam đưa vào sản xuất thử nghiệm từ năm 2020. Qua khảo nghiệm, đánh giá, đây là giống lúa siêu ưu việt nhờ đặc tính chịu rét tốt, đẻ nhánh tập trung, trổ nhanh, chống đổ ngã, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, sọc lá vi khuẩn, ít nhiễm rầy, gạo trong, cơm ngon, dẻo. Giống có thời gian sinh trưởng dao động…
 

Chứng nhận tín nhiệm mạng