Góp ý       Thời tiết
Bạc Liêu: Bệnh dại, công tác phòng chống bệnh trên động vật

Bạc Liêu: Bệnh dại, công tác phòng chống bệnh trên động vật

ý kiến của bạn

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dại (Rabies) gây ra, virus Dại tập trung nhiều ở trong nước bọt và não của động vật bị nhiễm bệnh. Virus dại lây truyền qua nước bọt, các chất bài tiết có nhiễm virus Dại ở vết cắn, vết liêm của động vật mắc bệnh Dại, thường là chó (trên 90%) và mèo. Bệnh này vô cùng nguy hiểm vì có thể lây sang người và bệnh chưa có thuốc đặc trị nên khi mắc phải khả năng tử vong 100%. Thời gian ủ bệnh Dại có thể từ vài ngày đến vài tháng, các biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh Dại ở người bao gồm: sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Một khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả động vật và con người.

Tại Việt Nam, bệnh Dại đã tồn tại từ hơn 50 năm và là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm ở người, chỉ đứng sau dịch bệnh Covid - 19. Từ năm 2010 đến tháng 11/2022, tổng cộng có 1.078 ngườitử vong vì bệnh Dại (trung bình 82 người/năm); hằng năm khoảng 500 nghìn người bị chó cần phải đi điều trị dự phòng, gây thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm. Từ nguồn thông tin của Bộ Y tế, báo cáo đến tháng 3/2024, bệnh Dại có xu hướng gia tăng, số ca tử vong do Dại từ 2022 đến nay là 47 ca, 02 tháng đầu năm 2024 đã là 22 ca, đáng chú ý, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn từ 10 - 15 ngày.

Từ những mối nguy hiểm trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạchphòng chống bệnh Dại đến năm 2030, theo ông Nguyễn Văn Hoà (Phó Trưởng phòngQuản lý Chăn nuôi và Thú y) cho biết: "Thực hiện theo thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và kế hoạch số 73/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về Phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2022 - 2030; hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành kế hoạch phòng Dại riêng. Năm 2024, đối với việc thực hiện tiêm phòng bệnh Dại phải đạt tỉ lệ trên 70% tổng số đàn chó mèo của tỉnh. Để hoàn thành được tốt các kế hoạch trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng kế hoạch tiêm ngừa tại các hộ gia đình và thực hiện theo 2 đợt chính vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10. Tình hình hiện tại chưa có ca phát sinh bệnh trên địa bàn tỉnh, do thực hiện tốt công tác phòng ngừa bệnh ở các hộ gia đình có nuôi chó mèo trong những năm trước đây".

Trong điều kiện thời tiết khó lường những năm gần đây, nắng nóngkhông chỉ ảnh hưởng đến cây trồng và thuỷ sản mà còn làm cho các bệnh trên vật nuôi phát triển nhiều hơn. Trong đó bệnh cần quan tâm nhiều nhất là bệnh Dại trên động vật vì đây là bệnh vô cùng nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao khi mắc phải, vì vậy các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện việc tiêm phòng ngừa chó mèo, đồng thời, người dân cũng có ý thức trong việc phòng ngừa cho vật nuôi của mình.

Anh Huỳnh Thanh Tú ngụ tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi chia sẻ cách theo dõi thông tin trên báo đài về bệnh Dại này,chủ động đưa chó mèo ở nhà đi tiêm tại cơ sở thú ý để phòng bệnh khi vạn nhất chó mèo ở nhà có cắn phải người cũng đỡ nguy hiểm đến người, mỗi năm tại địa phương có phát động phong trào tiêm ngừa anh đều phối hợp đưa vật nuôi của mình đi tiêm. Anh cũng cho biết thêm người dân rất có ý thức trong việc phòng ngừa bệnh, khi các cán bộ thú y vậnđộng tiêm phòng người dân luôn chủ động đưa vật nuôi đi tiêm hoặc mua thuốc về tự tiêm ngừa tại nhà.

Vì là bệnh chưa có thuốc điều trị nên công tác phòng ngừa luôn đượcthực hiện trước các thời điểm bệnh có thể xảy ra. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên phối hợp với địa phương thực hiện công tác tuyên truyền cho người nuôi chó mèo về nguyên nhân gây bệnh Dại cho vật nuôi, dấu hiệu nhận biết bệnh cũng như tác hại, mối nguy hiểm của chó mèo khi cắn người từ đó khuyến cáo người dân tiêm ngừa đầy đủ và định kỳ cho chó mèo; về công tác quản lý cần các ngành, chính quyền địa phương cấp xã và cơ quan y tế cùng nhau phối hợp để quản lý phòng ngừa bệnh, cán bộ thú y cấp xã cần thống kê đàn chó mèo nuôi từng thời điểm trước đợt tiêm phòng cho chó mèo để tiêm ngừa đầy đủ đàn chó mèo. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng hơn về trách nhiệm của người nuôi chó mèo cần phải khai báo với cơ quan xã, tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo, không thả rong chó mèo khi ra ngoài cần có rọ mõm và dây để quản lý, người nuôi chó mèo phải có trách nhiệm trong việc chó mèo cắn người.

Bệnh Dại là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, đặc biệt là tiêm vắc - xin cho chó, mèo và quản lý chó, mèo chặt chẽ. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay đẩy lùi bệnh Dại, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thực hiện: Thùy TrămNguồn: Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng