Góp ý       Thời tiết

Bạc Liêu: Đẩy nhanh tiến độ phòng trừ rầy phấn trắng, sâu cuốn lá lúa Đông Xuân

ý kiến của bạn

Hiện nay, diện tích 10.300 ha lúa Đông Xuân của huyện Hoà Bình đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng. Nhìn chung, trên phạm vi toàn huyện lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, qua thực tế thăm đồng, kiểm tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng của cán bộ Trung Tâm Khuyến nông cho thấy; rầy nâu, rầy phấn trắng, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, sâu cuốn lá đang xuất hiện rải rác trên một số diện tích lúa. Trong đó đối tượng rầy phấn trắng xuất hiện với mật số khá cao (khoảng 500 - 1.000 con/m²), phát triển nhanh, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời có khả năng lây lan trên diện rộng gây ảnh hưởng chung đến năng suất lúa. Bên cạnh đó, một số diện tích xuất hiện sâu cuốn lá tuổi 2 - 3 (mật số 5 - 6 con/m²), đang phát triển và gây hại cùng lúc với rầy phấn trắng. Tại thời điểm này nông dân đang đẩy nhanh tiến độ phòng trừ rầy phấn trắng và sâu cuốn lá bảo vệ lúa.

Để công tác phòng trừ 2 đối tượng rầy phấn trắng, sâu cuốn lá cùng lúc đạt hiệu quả cao bà con cần nắm được đặc điểm gây hại của từng đối tượng nhằm kết hợp thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, tránh tốn thời gian, công sức, chi phí.

Đặc điểm gây hại của rầy phấn trắng

- Rầy phấn trắng có vòng đời khoảng 25 - 32 ngày, sinh sản nhiều (mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng) và phát triển rất mạnh. Ấu trùng chích hút làm lá lúa vàng úa, cây mất sức, đọt bị xoắn. Ngoài ra, cơ thể chúng còn truyền bệnh virus, bệnh này làm cổ lá đòng bị co rút chặt, không bung ra được, bông lúa không trỗ thoát, nếu trỗ được thì các gié lúa cũng quấn sát vào nhau và bị lép.

- Ở giai đoạn trổ, lúc cây lúa bung nhị, màu trắng của nhị đực trùng với màu của rầy phấn trắng nên bà con nông dân khó phát hiện được chúng. Do lá lúa bị cháy vàng nên bà con dễ nhầm là bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn hoặc bệnh vàng lá chín sớm do nấm gây ra.

Đặc điểm gây hại của sâu cuốn lá

- Vòng đời của sâu cuốn lá trung bình 30 - 45 ngày. Sâu non chia thành 5 tuổi.

- Sâu non tuổi 1 có màu trắng trong, đầu màu nâu đen, di chuyển rất linh hoạt, khi lớn sâu chuyển dần sang màu vàng xanh.

- Sâu tuổi 2 trở lên nhả tơ vào buổi sáng gắn qua hai mép lá, khi trời nắng tơ rút lại và cuốn dính hai mép lá lúa theo chiều dọc, làm thành bao lá, sâu nằm bên trong ăn chất xanh của lá, để lại màng trắng.

- Sâu tuổi 3 có màu xanh lá lúa và ngã dần sang màu vàng nhạt khi ở tuổi 4 tuổi 5. Ở tuổi 3, tuổi 4 là độ tuổi gây hại tích cực nhất của sâu đối với cây lúa.

- Sang tuổi 5 sâu giảm tính năng động, không cắn phá lá lúa nữa mà chuẩn bị làm kén, vào nhộng, chờ vũ hóa thành bướm.

Thời điểm này cây lúa bắt đầu làm đòng, bà con nông dân cần hết sức thận trọng vì sâu cuốn lá đang tuổi 2 - 3 sẽ tấn công trực tiếp vào lá đòng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Cần kiểm tra và theo dõi chặt chẽ sự phát triển của rầy phấn trắng và sâu cuốn lá. Sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Triflumezopyrim, Pymetrozine, Imidacloprid để trừ rầy phấn trắng, kết hợp với hoạt chất Isocycloseram hoặc Chlorfenapy trừ sâu cuốn lá, bảo vệ lá đòng. Nên phun vào buổi sáng sớm lá lúa còn ướt, khi đó rầy phấn trắng di chuyển yếu nên rất dễ chết.

Để hạn chế các đối tượng sâu, bệnh hại gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa bà con cần làm sạch cỏ dại quanh bờ, bón phân NPK cân đối, hợp lý. Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra ruộng lúa nhằm phát hiện kịp thời sâu, bệnh hại để đưa ra biện pháp quản lý tốt nhất

Thực hiện: Nguyễn Văn TriềuNguồn: Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng