Góp ý       Thời tiết
Cần Thơ: An toàn trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Cần Thơ: An toàn trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

ý kiến của bạn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác này đang được các địa phương nỗ lực thực hiện...

Sản phẩm gia súc, gia cầm là thực phẩm chủ yếu, cung cấp hằng ngày cho người dân tiêu dùng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá 6 tháng đầu năm 2023, ngành Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh tai xanh và lở mồm long móng trên gia súc. Trong 6 tháng qua, cả nước xuất hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Quảng Ngãi, 2 ổ dịch viêm da nổi cục tại tỉnh Thái Nguyên và Quảng Ngãi, 39 ổ dịch tả heo châu Phi tại 11 tỉnh, thành. Tổng số gia súc, gia cầm chết và tiêu hủy khoảng 20.258 con, trong đó có 13.789 con gia cầm và 6.469 con gia súc... Tuy dịch bệnh xuất hiện thấp, nhưng giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt heo hơi vẫn ở mức thấp đã ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn và thu nhập của người chăn nuôi. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển ổn định. Cụ thể, đàn bò ước tăng 0,9% so với cùng kỳ 2022, với sản lượng thịt cung cấp 245.300 tấn, sản lượng sữa 662.800 tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2022. Đàn heo ước tăng 2,5% so với cùng kỳ 2022, sản lượng thịt hơi cung cấp 2.330.000 tấn (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước). Đàn gia cầm ước tăng 0,9% so cùng kỳ 2022, sản lượng thịt hơi 1.040.000 tấn, tăng 4,8% và sản lượng trứng 9,1 tỉ quả, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022...

Tại thành phố Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Theo số liệu thống kê của ngành Thú y, đến cuối tháng 6-2023, toàn thành phố có tổng đàn heo là 126.703 con, đạt 93,9% so với kế hoạch năm; đàn trâu 285 con; đàn bò 4.348 con, đạt 90,6% so với kế hoạch; đàn gia cầm 2.218.453 con, vượt 10,9% so với kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, thành phố còn có 284 hộ nuôi chim yến, với tổng đàn ước khoảng 177.000 con… Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt hơi các loại cung cấp cho tiêu dùng là 19.424 tấn, đạt 65% kế hoạch, trong đó thịt gia súc 13.854 tấn, thịt gia cầm 5.570 tấn và 47.414.100 quả trứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong và ngoài thành phố.

Ông Lê Trung Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ, nhận định: "Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đó là nhờ công tác tiêm ngừa phòng bệnh, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, công tác kiểm tra về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và xử lý vi phạm đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; giết mổ, mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm gia súc gia cầm; công tác kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật… được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, ngành còn tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm trên địa bàn, điều tra phát hiện và xử lý triệt để nếu xuất hiện dịch bệnh".

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ, hiện nay tình hình giá cả, tiêu thụ sản lượng chăn nuôi của thành phố cung ứng từ 50-70% nhu cầu thị trường, số lượng còn lại nhập từ các tỉnh, thành khác. Giá heo hơi có sự biến động nhẹ và dao động ở mức từ 57.000-60.000 đồng/kg; giá trâu, bò hơi ổn định ở mức từ 75.000-80.000 đồng/kg; giá gà ta ở mức từ 85.000-90.000 đồng/kg; giá vịt hơi từ 45.000-50.000 đồng… góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ tăng cao thời gian tới để phục vụ trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Toàn thành phố hiện có 51 cơ sở sản xuất và mua bán sản phẩm giống vật nuôi. Trong đó có 48 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống và tinh heo (35.000 con heo giống/năm và 100.000 liều tinh heo/năm), 3 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống trên 300.000 con vịt giống/năm. Thành phố có 288 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Lê Trung Hoàng cho biết: "Hiện hoạt động chuyển đổi phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP được hình thành tại thành phố Cần Thơ. Thành phố xây dựng 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, thực hiện hỗ trợ xây dựng 9 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP và 12 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật. Các cơ sở, trại chăn nuôi thực hiện mô hình theo hướng xây dựng cơ sở, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch sẽ có nhiều lợi ích trong viêc quản lý chất lượng giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi. Công tác ngăn ngừa tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào thành phố đang được ngành Thú y tập trung thực hiện, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài…".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng cuối năm 2023, Bộ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn… trên các đối tượng vật nuôi, nhất là chăn nuôi heo, gia cầm để nâng cao giá trị sản phẩm. Nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống gia cầm, khuyến khích nâng cao tầm vóc đàn gia súc ăn cỏ. Thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh để tình trạng tăng giá đột biến gây thiệt hại cho người sản xuất và không bảo đảm chất lượng thức ăn chăn nuôi. Rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi; trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, tập trung vào một số khu vực có tiềm năng; nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp...


Hà Văn - Báo điện tử Cần Thơ
Link gốc: https://baocantho.com.vn/an-toan-trong-chan-nuoi-phong-chong-dich-benh-cho-dan-gia-suc-gia-cam-a162197.html
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng