Góp ý       Thời tiết
Đắk Lắk: Người khỏe thì "đất đau"
Thuốc bảo vệ thực vật được nông dân sử dụng phổ biến

Đắk Lắk: Người khỏe thì "đất đau"

ý kiến của bạn

Gia đình Y Sum Kbuor chuẩn bị đi làm cỏ sắn và bắp, tôi quan sát cả hai vợ chồng chẳng mang theo dụng cụ gì cả, ngoài cái bình xịt có dung tích khoảng 20 lít và bịch ni lông đựng vài lọ thuốc mang nhãn mác in chữ nước ngoài.

Tôi hỏi: Thế không cuốc xẻng gì à, sao làm cỏ được? Y Sum cười, chỉ vào bịch ni lông rồi bảo: Hai chai thuốc diệt cỏ này là đủ cho 7 sào sắn và bắp. Bây giờ ai cuốc cỏ nữa hả chú, tiền thuê công chịu gì nổi, dùng thuốc diệt cỏ vừa nhanh, vừa khỏe người…

Tôi nhìn kỹ hai lọ thuốc diệt cỏ có tên Kanup 480Sl của Tập đoàn Read Sun. Đây là loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa hoạt chất Glyphosate đã bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam từ lâu. Dĩ nhiên Y Sum không biết điều đó nên vô tư chia sẻ: Thấy giá rẻ và sử dụng hiệu quả nên cứ mua, mà đâu riêng gì nhà cháu, cả buôn Ea Nao này cũng như nhiều buôn khác ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đều mua loại thuốc diệt cỏ ấy về xịt từ nhiều năm qua. Không chỉ dùng thuốc diệt cỏ cho nương sắn, nương bắp thôi đâu, từ ruộng lúa, rẫy cà phê, vườn bơ, mít đến sầu riêng… đều phải dùng thuốc cả. Thuốc chống nấm, rệp sáp, nhện độc, ruồi vàng gây xoăn và vàng lá thì dùng loại For Tox 50EC, Calicydan 150 EW hay Imiprid 10WP. Đó là chưa kể vô số các loại thuốc BVTV khác được “tắm” cho số cây trồng nói trên với mục đích điều hòa sinh trưởng, làm mát lá, kích thích ra bông - Y Sum chuyện trò cùng tôi chẳng khác gì một “chuyên gia” BVTV trong canh tác nông nghiệp.

Ngẫm ra lời của Y Sum cũng có cái lý - rằng dùng thuốc thì vừa nhanh, vừa khỏe người (khỏe theo nghĩa đỡ tốn công sức, thời gian và cả tiền bạc). Song, hệ lụy để lại quả thật khôn lường là đất đai ngày càng nhiễm độc nặng, dẫn đến bạc màu, cằn cỗi. Đó cũng là “nỗi đau” của đất không riêng gì ở buôn Ea Nao, xã Ea Tu mà còn ở nhiều địa phương khác đã và đang diễn ra vấn nạn lạm dụng quá mức các loại hóa chất (dù đã cấm) trong danh mục thuốc BVTV để đưa vào canh tác, sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Tiến sĩ Phan Việt Hà - Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho hay: Kết quả kiểm tra, phân tích của các cơ quan chức năng cho thấy, qua nhiều năm sử dụng phân bón, thuốc BVTV quá liều lượng, nhiều mẫu đất trên địa bàn đã bị chua, chai lì đến mức không phù hợp với bất kỳ loại cây trồng nào do độ pH (độ phì của đất) đã tụt xuống quá thấp. Đây là vấn đề không thể không quan tâm và nếu không có giải pháp quyết liệt, tích cực và kịp thời thì rất nhiều vùng đất ở Tây Nguyên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc canh tác bởi hệ lụy trên.


Đình Đối
Link gốc: https://baodaklak.vn/kinh-te/202311/nguoi-khoe-thi-dat-dau-76d20fe/
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng