Góp ý       Thời tiết
Lâm Đồng: Khởi nghiệp từ trồng cây atiso theo hướng hữu cơ

Lâm Đồng: Khởi nghiệp từ trồng cây atiso theo hướng hữu cơ

ý kiến của bạn

Cây Atiso là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, đặc sản của thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Tại các vùng trồng cây Atiso ở thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương người trồng Atiso đang áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) để đảm bảo chất lượng dược liệu.

Với sự đam mê và nhiệt huyết cũng như kiến thức tích lũy được, anh Phạm Hữu Giàu ở Thái Phiên, thành phố Đà Lạt đã quyết định khởi nghiệp với ý tưởng sản xuất Atiso sạch. Anh Phạm Hữu Giàu sinh năm 1997, học Khoa Môi trường ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, ra trường anh làm việc cho Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt; đây cũng chính là môi trường đầu tiên đưa anh tiếp cận sâu hơn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch nói không với phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Với sự hiểu biết cây Atiso từ lâu (ông bà nội anh đã trồng cây Atiso ở vùng Thái Phiên) cộng với những lợi ích mà sản xuất sạch mang lại cho con người và môi trường đã thôi thúc anh thực hiện ý tưởng trồng Atiso sạch. Anh vừa đi làm ở Công ty vừa tự trồng thực nghiệm cây Atiso sạch ở thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.

Anh Giàu cho biết: "Lý do anh khởi nghiệp từ cây Atiso là vì Atiso là cây dược liệu quý đặc trưng của vùng cao nguyên Lâm Viên". Sau khoảng 5 năm theo đuổi ước mơ, mày mò tự nghiên cứu và sự giúp đỡ của những chuyên gia trong ngành sản xuất Atiso, anh Giàu đã có cơ sở sản xuất Atiso Larti's Farm ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương với các dòng sản phẩm cao Atiso và trà Atiso, cao Atiso dạng Stick… Để có sản phẩm Atiso sạch và phát triển bền vững, tạo thu nhập cho người trồng Atiso và góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái anh Phạm Hữu Giàu đã chọn cho mình một lối đi riêng. Anh trồng Atiso sạch không sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, liên kết trồng bao tiêu sản phẩm và chế biến sâu để gia tăng giá trị cho sản phẩm Atiso. Quá trình sản xuất Atiso được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trồng chăm sóc đến công đoạn thu hoạch, chế biến, đóng gói để cho ra sản phẩm chất lượng an toàn. Trong quá trình chế biến anh Phạm Hữu Giàu không dùng bất kỳ chất bảo quản nào. Để phòng trừ bệnh cho cây Atiso, anh Giàu sử dụng các sản phẩm có chứng nhận OMRI hoặc các sản phẩm thuốc phòng trừ bệnh được dùng trong sản xuất hữu cơ và đặc biệt để trị con ốc sên gây hại cây Atiso anh cho thả vịt trong vườn theo phương pháp của người Nhật Bản. Anh Giàu chia sẻ thêm: "Trong sản xuất Atiso sạch khó khăn là thay đổi nhận thức của người sản xuất Atiso, chi phí làm cỏ lớn phải dùng phương pháp thủ công nhổ cỏ bằng tay không được dùng thuốc diệt cỏ. Thuận lợi là sản phẩm Atiso sạch sản xuất ra đã được thị trường chấp nhận". Sản phẩm Atiso sạch của anh Phạm Hữu Giàu được bán ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và bán hàng qua nhiều kênh như: Shoppe, Tiktok,... Sản phẩm đã được khách hàng người Hàn Quốc, Nhật Bản ở Việt Nam đánh giá cao.

Để có đủ nguyên liệu cho sản xuất anh Phạm Hữu Giàu đã liên kết với 5 hộ dân trong vùng, với tổng diện tích vùng nguyên liệu khoảng 1,5 ha, anh đã hỗ trợ một phần giống, kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để các hộ liên kết yên tâm sản xuất. Trước khi liên kết sản xuất Atiso anh Giàu đi lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích nếu đạt yêu cầu mới ký hợp đồng trồng Atiso. Trong quá trình sản xuất, trước khi thu mua sản phẩm, anh Giàu lấy mẫu sản phẩm phân tích. Anh Giàu thu mua với giá cao hơn thị trường để người trồng yên tâm sản xuất và thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật anh đã hướng dẫn. Để có thêm nguồn kinh phí đầu tư, anh Giàu đã nhận gia công sản phẩm cho một số cơ sở sản xuất cao và trà Atiso khác. Anh cho biết thêm: "Giá thu mua lá cao hơn giá thị trường từ 30 - 40%, với lợi nhuận từ 35 - 50 triệu đồng/0,1 ha/năm cũng giữ người dân gắn bó với cây Atiso. Định hướng sắp tới sẽ làm thủ tục cấp chứng nhận sản xuất Atiso theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA), thành lập Công ty để khẳng định thương hiệu trên thị trường. Khi được cấp chứng nhận tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) thì tiềm năng xuất khẩu rất lớn liên kết thêm với người dân để mở rộng vùng nguyên liệu Atiso".

Sau khoảng 5 năm vượt qua khó khăn theo đuổi đam mê trồng Atiso sạch, đến nay ý tưởng khởi nghiệp của anh Giàu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, minh chứng sản phẩm của anh đã được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Dự án "Sản xuất Atiso bền vững" của anh đã đạt giải ba trong Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9/2023 (Cuộc thi có 179 dự án tham gia, cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên cùng các Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đồng hành tổ chức). Thông qua cuộc thi, sản phẩm Atiso sạch đã được truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hi vọng trong thời gian tới, anh Phạm Ngọc Giàu sẽ thành công hơn nữa trên con đường khởi nghiệp, theo đuổi đam mê sản xuất xanh hài hòa giữa các lợi ích kinh tế xã hội và môi trường góp phần quảng bá thương hiệu Atiso "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành".

Thực hiện: Nguyễn Văn DiệnNguồn: Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng