Góp ý       Thời tiết
Lâm Đồng: Nâng cao giá trị sản xuất cà phê hữu cơ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nâng cao giá trị sản xuất cà phê hữu cơ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lâm Đồng: Nâng cao giá trị sản xuất cà phê hữu cơ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

ý kiến của bạn

Đạ Chais là một xã miền núi thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 34.117 ha, là vùng dân tộc thiểu số chiếm khoảng trên 91%. Với vị trí nằm trong khu vực dãy núi cùng với khí hậu mát mẻ, xã Đạ Chais có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và kinh tế nông nghiệp. Thế mạnh trong phát triển nông nghiệp tại xã Đạ Chais là cà phê, rau, hoa, cá nước lạnh, trong đó, cà phê là cây trồng chủ đạo của bà con nơi đây. Với ưu thế về khí hậu, đất đai xã Đạ Chais rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ do tập quán sản xuất cà phê chủ yếu dựa vào tự nhiên của bà con nơi đây, là lợi thế để phát triển cà phê hữu cơ và tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Để giúp bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới, đưa nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng trở thành địa phương có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ đứng đầu cả nước.

Để đáp ứng mục tiêu đó, trong Đề án đã và đang thực hiện nội dung cấp chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tư vấn, cấp giấy chứng nhận sản xuất cà phê hữu cơ cho Công ty TNHH Daisy International tại thôn Tupoh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Khu sản xuất cà phê được cấp chứng nhận hữu cơ nằm trên một quả đồi của thôn Klong Klanh, xã Đạ Chais có diện tích 70 ha (trong đó Trung tâm Khuyến nông tư vấn, cấp giấy chứng nhận 50 ha, sản lượng 350 tấn quả tươi/năm) bao gồm 45 hộ nông dân sản xuất nằm liền kề nhau, xung quanh giáp rừng thông nên có khí hậu và đất đai rất phù hợp để sản xuất cà phê hữu cơ. Sau khi được cấp chứng nhận sản xuất cà phê hữu cơ, các nông hộ được Công ty TNHH Daisy International thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg cà phê quả tươi, thu nhập cao hơn so với ngoài thị trường khoảng 20 triệu đồng/ha. Để tiếp tục duy trì ổn định, Công ty tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê hữu cơ cho các nông hộ tham gia sản xuất cà phê hữu cơ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty là các chuỗi nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chuỗi cửa hàng,...

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê, Công ty đã chú trọng phát triển mạnh khâu chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm cà phê cà phê Arabica, các dòng sản phẩm cà phê đặc sản của vùng như cà phê vàng Bourbon, Caturra trái vàng, Arabica túi lọc, cà phê đặc sản Socola túi lọc, cà phê đặc sản Linh chi túi lọc, cà phê đặc sản Nhân sâm túi lọc…

Ngoài ra, để sản phẩm cà phê đến tận tay với người tiêu dùng Công ty còn phát triển mảng du lịch canh nông để thu hút du khách đến Công ty được tìm hiểu về cách thức sản xuất cà phê của bà con nông dân, được tham quan khu sản xuất, sơ chế, chế biến các loại sản phẩm cà phê đồng thời được thưởng thức các loại sản phẩm cà phê đặc sản tại đây. Mặt khác, nếu du khách muốn ở lại để tận hưởng khí hậu trong lành và mát mẻ, Công ty có 10 căn Bungalow để khách ở lại và thưởng thức các món ăn địa phương. Khi đến đây du khách sẽ được miễn phí tham quan, giới thiệu về quy trình từ sản xuất đến chế biến các loại cà phê hữu cơ đặc sản. Bình quân mỗi ngày Công ty đón tiếp từ 50 - 100 lượt khách nội địa và cả khách quốc tế. Do đó, đây là cơ hội để quảng bá phát triển thị trường nâng cao giá trị sản xuất cà phê hữu cơ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.


Nguyễn Thị Thùy
Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng