Góp ý       Thời tiết
Lâm Đồng: Sức sống bền bỉ trên những nương dâu

Lâm Đồng: Sức sống bền bỉ trên những nương dâu

ý kiến của bạn

Dựa trên các thuận lợi về điều kiện tự nhiên đặc trưng của địa phương, nông dân xã Tân Hà (huyện Lâm Hà) đã nỗ lực phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đưa nghề này trở thành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của xã. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Từ gian khó, nông hộ Trương Thị Hường trú tại thôn Liên Trung đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống nhờ trồng dâu, nuôi tằm. "Cây dâu, con tằm từ lâu đã trở thành "cứu cánh" cho những nông dân nghèo như chúng tôi, đến nay đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, gia đình tôi vẫn mong muốn được tiếp tục giữ và phát triển nghề", cô Hường nói.

Đặt tất cả hy vọng và sự phấn đấu vào những sào dâu xanh mướt, đi qua những khó nhọc, thiếu thốn đủ bề để đến hiện tại, gia đình cô Hường đã có đủ khả năng trang trải chi phí sinh hoạt cũng như dành dụm từng chút một cho tương lai sau này. Hiện, với khoảng 4 sào dâu để nuôi tằm và có diện tích 100 m2 nhà tằm, trung bình mỗi tháng, gia đình cô thu về được hơn 1 hộp tằm khoảng 70 kg kén, bán theo giá thị trường hiện nay khoảng 196.000 đồng/kg. Mỗi năm cô Hường sẽ thu 9-10 vụ, sau khi trừ chi phí, gia đình cô có thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

"Ngày xưa, lúc không có gì trong tay, có mong ước, gia đình tôi cũng không nghĩ sẽ nhờ từ những sào dâu này mà có thể gầy dựng được mái ấm đủ đầy, nhưng thực sự điều đó đã thành hiện thực. Bây giờ kinh tế của gia đình chủ yếu vẫn là dựa vào trồng dâu, nuôi tằm. Mười năm trở lại đây, gia đình cũng đã không còn trồng giống dâu tằm cũ mà đã chuyển qua giống dâu cao sản, lá to, nhờ đó càng tiết kiệm được thời gian lao động hơn", cô Hường phấn khởi.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Tân Hà năm 2019-2022 đạt 59,5 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 ước đạt 68 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo chung toàn xã là 34/3.066 hộ, chiếm tỉ lệ 1,1%; số hộ cận nghèo là 53/3.066 hộ, chiếm tỉ lệ 1,7%.

Cũng vun những mầm xanh và mong mỏi những hạt mầm hy vọng từ trồng dâu, nuôi tằm sẽ sinh trưởng thật tốt, đó là gia đình bà Vân Thị Thủy ngụ tại thôn Thạch Tân, gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo của xã.

"Trước đây, khi chưa có đất sản xuất, các thành viên trong gia đình phải đi làm công cho người ta, ai thuê gì thì làm nấy. Sau đó, chúng tôi dần tích cóp được một khoản thì mới có đất trồng cà phê khoảng 1 ha từ những năm 90 và bắt đầu tìm hiểu thêm về mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Từ đó, gia đình chủ động chuyển đổi 1 sào cà phê sang trồng thử nghiệm dâu tằm. Khoảng 7 năm trước, từ vườn dâu giống cũ, năng suất kém, gia đình đã chuyển sang trồng giống dâu mới cho năng suất cao hơn. Đến nay, cứ tầm 2 tháng sẽ cho thu được khoảng 1 hộp rưỡi bán ra với giá từ 190.000 đồng - 205.000 đồng/kg. So với nhiều loại cây trồng khác như cà phê, lúa thì trồng dâu, nuôi tằm cho lãi gấp nhiều lần. Nhờ đó, đời sống gia đình tôi, dần ổn định hơn rất nhiều", bà Thủy chia sẻ.

Không chỉ trở thành cứu cánh cho những hoàn cảnh như gia đình cô Trương Thị Hường và bà Vân Thị Thủy, trồng dâu, nuôi tằm còn mở ra hướng đi mới cho những thanh niên lập thân, lập nghiệp nơi đây. Anh Nguyễn Văn Du, trú tại thôn Thạch Tân cho biết, gia đình anh mới đầu cũng trồng cà phê, hồ tiêu... Nhưng thị trường giá cả tăng, giảm thất thường khiến kinh tế gia đình nhiều lần bấp bênh. Vì vậy, anh Du quyết tâm tìm hiểu thêm về các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và đã mạnh dạn thực hiện trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, bên cạnh chăm sóc 1,5 ha cà phê, gia đình anh Tân dành phần nhiều thời gian để phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Với diện tích khoảng 6 sào dâu tằm, một tháng trung bình cho thu 1,5 tạ kén/2,5 hộp, được các cơ sở chuyên thu mua kén trên địa bàn huyện thu mua.

Theo ông Mai Văn Dinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà, hiện nay, diện tích trồng dâu tằm của xã là trên 100 ha, chủ yếu được chuyển đổi từ đất lúa, ao không hiệu quả. Bên cạnh đó, những năm trở lại đây, giá kén đều ổn định mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo niềm vui và động lực cho bà con yên tâm gắn bó với mô hình trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn. Cùng với đó, cũng từ ý chí, tinh thần mà những hộ gia đình khó khăn đã biết tự lực phấn đấu vươn lên, ổn định đời sống.

Thời gian tới, xã Tân Hà sẽ tiếp tục chủ động thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân tích cực sản xuất, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng và thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, tạo thêm nhiều điều kiện, phương án cho người nông dân có cơ hội được hướng dẫn, trao đổi các kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm và các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả khác...

Thực hiện: Hương LyNguồn: Báo điện tử Lâm Đồng
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng