Góp ý       Thời tiết
Thái Nguyên: Giống lúa Nhật có ưu thế lớn trên nhiều đồng đất
Thái Nguyên: Giống lúa Nhật có ưu thế lớn trên nhiều đồng đất

Thái Nguyên: Giống lúa Nhật có ưu thế lớn trên nhiều đồng đất

ý kiến của bạn

Những năm gần đây, J02 là giống lúa được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn gieo cấy, bởi nhiều ưu điểm như đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ hạt lép thấp, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao... Đặc biệt, chất lượng gạo J02 thơm, cơm mềm, dẻo, vị đậm, từng bước chinh phục những khách hàng "khó tính" nhất và được đưa vào các vùng sản xuất tập trung, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm.

J02 là giống lúa thuần dòng JAPONICA có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Viện Di truyền Nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn. Ban đầu, khi mới đưa vào gieo trồng thử nghiệm tại Thái Nguyên, nhiều hộ nông dân còn băn khoăn vì lo lắng năng suất không đạt.

Tuy nhiên, qua quá trình chăm sóc cho thấy, cây lúa phát triển tốt, chống đổ, chống chịu sâu bệnh khá; thời gian sinh trưởng khoảng 135-140 ngày, năng suất trung bình đạt từ 2 đến 2,4 tạ/sào, cao hơn giống lúa Khang dân truyền thống khoảng 0,4 tạ/sào và giá bán cũng cao hơn 15%. Do đó, từ chỗ còn e ngại, bà con nông dân Thái Nguyên đã hào hứng, tích cực đưa giống lúa J02 vào sản xuất.

Ông Dương Văn Quyền, ở tổ dân phố Đình Cả 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), chia sẻ: Vài năm nay, nhà tôi chỉ chuyên cấy giống lúa J02 trên 7 sào ruộng của gia đình. Giống lúa này không những cho năng suất cao mà còn dễ bán, bởi được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị đặc trưng. Đặc biệt, khi nguội, cơm vẫn mềm dẻo, thơm ngon, ưu thế hơn hẳn so với những giống lúa trước đây.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phương thức canh tác của địa phương và cho năng suất cao, chất lượng gạo dẻo thơm ngon, dễ tiêu thụ nên J02 hiện là giống lúa đang chiếm ưu thế trên đồng đất Thái Nguyên. Giống lúa này hiện được gieo cấy ở 9/9 huyện, thành trong tỉnh, với diện tích hàng nghìn ha. Trong đó, có thể kể tên một số vùng sản xuất tập trung cho năng suất cao ở các địa phương, như: Nam Hòa (Đồng Hỷ); Tân Dương, Bảo Cường, Kim Phượng (Định Hóa)…

Điều đáng nói, giống lúa J02 đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, từ tự cung tự cấp sang sản xuất chất lượng theo nhu cầu của thị trường.

Đơn cử như tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ), các thành viên hợp tác xã nông sản Khôi Kỳ đã xây dựng vùng sản xuất lúa J02 tập trung với diện tích 15ha. Từ đó, tạo nên sản phẩm gạo J02 theo tiêu chuẩn VietGAP, có mã truy xuất nguồn gốc, cung cấp tới nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Hay như tại "vựa lúa" Phú Bình, hiện nay, toàn bộ cánh đồng mẫu lớn ở xã Tân Đức đã được phủ kín gần như hoàn toàn bởi giống lúa J02. Năm 2022, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền được thành lập, chuyên gieo cấy giống lúa J02. Ban đầu, diện tích sản xuất chỉ có 15ha, đến nay, hợp tác xã đã liên kết với nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã nhân rộng lên 150ha, trong đó có 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Gạo J02 của đơn vị đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm của hợp tác xã cũng đã có mặt tại một số tỉnh lân cận như: Hà Nội, Bắc Giang… Bên cạnh việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong vùng nguyên liệu của đơn vị, hiện nay hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền còn nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên địa bàn.

Theo bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình: Với năng suất cao hơn, chất lượng gạo thơm ngon, giống lúa J02 đã khẳng định ưu thế trên đồng đất Phú Bình. Qua đó, góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn và nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích bà con sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh khâu hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạp J02 để mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con.

Với khả năng thích ứng rộng, chống chịu tốt với thời tiết, kháng sâu bệnh cao, nhất là các bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn; năng suất khá cao và ổn định ở cả hai vụ trong năm nên giống lúa J02 đã được ngành Nông nghiệp Thái Nguyên lựa chọn đưa vào cơ cấu giống lúa với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng gắn với thị trường tiêu thụ. Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh cũng đang tập trung phát triển vùng trồng lúa J02 chất lượng cao theo hướng hàng hóa, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm để không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.


Lương Hạnh - Báo điện tử Thái Nguyên
Link gốc: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202307/lua-nhat-tren-dong-dat-thai-nguyen-55c5848/
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng