Góp ý       Thời tiết
Long An: Tăng cường quản lý sâu năn trên lúa Đông Xuân
Tăng cường quản lý sâu năn trên lúa Đông Xuân

Long An: Tăng cường quản lý sâu năn trên lúa Đông Xuân

ý kiến của bạn

Ngày 04/01/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ban hành văn bản gửi các địa phương, ngành chức năng về việc tăng cường quản lý sâu năn trên lúa Đông Xuân 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tính đến ngày 27/12/2023, diện tích gieo sạ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Long An là 207.833ha; trong đó,  lúa giai đoạn mạ: 84.462ha, đẻ nhánh: 64.363 ha, đòng: 16.771ha, trổ: 14.357ha, chín: 18.901ha, thu hoạch: 8.979ha.

Theo kết quả kiểm tra tình hình sản xuất trên lúa Đông Xuân 2023 - 2024 , hiện nay trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Mộc Hóa có ghi nhận sâu năn xuất hiện với diện tích nhiễm khoảng 1.801ha. Trong đó, tỷ lệ hại nhẹ từ 7 - 20% diện tích khoảng 1.255ha; tỷ lệ hại trung bình 20 - 30% diện tích khoảng 242ha, tỷ lệ nặng 30 - 50% diện tích khoảng 304ha.

Hiện nay, do thời tiết có sương mù, nhiệt độ thấp vào sáng sớm, ẩm độ đồng ruộng cao là điều kiện thuận lợi cho sâu năn phát sinh, phát triển. Bên cạnh đó, đa phần diện tích lúa Đông Xuân đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh, là giai đoạn tương đối mẫn cảm với sâu năn nên sâu năn vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho các diện tích này.

Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền một số giải pháp quản lý sâu năn, quy trình quản lý tổng hợp sâu năn (muỗi hành) Orseolia oryzae (Wood - Mason) hại lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, các cấp chính quyền chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tăng cường giám sát theo dõi bẫy; nắm chắc diễn biến của sâu năn, đặc biệt trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, khoanh vùng những diện tích nhiễm, diện tích có nguy cơ nhiễm theo khu vực để tăng cường theo dõi, hướng dẫn quản lý.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác dự tính dự báo, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ với địa phương bám sát đồng ruộng; nắm chắc tình hình sản xuất và diễn biến của sâu năn, kịp thời hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp quản lý và chăm sóc lúa để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu năn gây ra. Thường xuyên báo cáo tình hình dịch hại về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp triển khai các giải pháp quản lý.

Khuyến cáo người dân áp dụng các gói kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), công nghệ sinh thái, quản lý nước theo phương pháp "ngập khô xen kẽ" để cây lúa sinh trưởng tốt, tăng sức chống chịu với sâu bệnh hại; tăng cường bón lân, kali; bổ sung thêm phân bón có hàm lượng canxi, magiê, silic,...

Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nắm bắt và xử lý các tổ chức, cá nhân thông tin sai sự thật về tình hình sinh vật gây hại gây hoang mang trong nhân dân.

Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc  tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa, nhất là sâu năn thông qua các phương tiện truyền thông, các tổ khuyến nông cộng đồng nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024.

Tổ chức thăm đồng thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn cấp huyện theo dõi tình hình sản xuất và sinh vật gây hại.

Tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và tập huấn chuyên môn về sâu bệnh hại lúa, đặc biệt chú trọng sâu năn, hướng dẫn cấp huyện triển khai các giải pháp quản lý sâu năn. Thông tin tình hình sinh vật gây hại và biện pháp quản lý trên các phương tiện thông tin để thông tin kịp thời đến đông đảo người dân.

Hội Nông dân tỉnh, các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh, phát triển của các loài dịch hại chính để có biện pháp xử lý kịp thời, không nên phun thuốc định kỳ để ngừa sâu năn vì sẽ ảnh hưởng các loài thiên địch của sâu năn và tiềm ẩn khả năng gây tái phát, bộc phát các loài dịch hại khác.

Thông tin tình  hình và biện pháp quản lý sâu năn theo quy định, tránh tình trạng thông tin không chuẩn xác gây hoang mang trong nhân dân.


Tấn Lộc
Link gốc: https://baolongan.vn/tang-cuong-quan-ly-sau-nan-tren-lua-dong-xuan-2023-2024-tren-dia-ban-tinh-a169172.html
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng