Góp ý       Thời tiết
Thành phố Hồ Chí Minh: Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP tại Cần Giờ
Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP tại Cần Giờ

Thành phố Hồ Chí Minh: Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP tại Cần Giờ

ý kiến của bạn

Nhằm thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố theo quy trình GAP qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm, từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2023, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển giao 2 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP tại 2 hộ (0,15 ha/mô hình) xã Bình Khánh và xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ hơn 83.000 con giống và hơn 1.000 kg thức ăn (46.3% giống và 50% thức ăn) cho 1 mô hình với tổng kinh phí hơn 52 triệu đồng, còn lại 50% nông dân tự đối ứng. Sau 4 tháng theo dõi mô hình, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lượng giá, báo cáo kết quả thực hiện như sau:

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật nhìn chung các yếu tố môi trường trong suốt quá trình nuôi đều nằm trong giới hạn cho phép cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm thẻ chân trắng như pH ổn định ở mức 7,9 - 8,0; độ mặn 3 - 4‰; độ kiềm ở mức cho phép. Ngoài việc cho ăn dựa vào trọng lượng tôm, hộ nuôi cũng kết hợp với việc kiểm soát thức ăn trong nhá để có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho từng thời điểm.

Ngoài thức ăn công nghiệp, hộ nuôi còn sử dụng các men vi sinh, vitamin, khoáng và chất bổ gan vào thức ăn giúp tôm tăng sức đề kháng, khỏe mạnh, qua đó giúp hộ dân có ý thức trong việc nuôi theo GAP để tạo ra sản phẩm an toàn và bảo vệ môi trường. Tại hộ bà Võ Thị Thêm, Ấp Bình Lợi, Xã hộ Bình Khánh, huyện Cần Giờ kết quả thu được 2,2 tấn tôm, kích cỡ khi xuất bán đạt 90 con/kg, với giá bán 85.000 đ/kg, thu được 187 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 21 triệu đồng; Còn hộ Ông Phan Trung Hậu, Ấp Lý Hòa Hiệp, Xã Lý Nhơn hiện tôm đang phát triển tốt, đã đạt 40 con/kg nhưng chưa xuất bán vì đang chờ giá tốt nhất.

Ông Lê Trung Hiền - Cán bộ kinh tế xã Bình Khánh, Huyện Cần Giờ cho biết: là người theo dõi tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tôi rất cám ơn sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân.

Các mô hình của Khuyến nông chuyển giao trong thời gian qua rất hữu ích, góp phần lan tỏa nhân rộng mô hình trong dân, sắp tới hy vọng Khuyến nông quan tâm hỗ trợ hơn nữa để ngày càng gắn kết, đồng hành với sự phát triển nông nghiệp của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Với tình hình sản xuất tôm năm nay rất khó khăn, giá cả thấp nhất so với mọi năm, sản lượng nông dân thu cao nhưng bán lại có khi lời ít, huề và thậm chí lỗ. Với hộ của chị Thêm, theo tôi đánh giá là đạt hiệu quả; thu hoạch được 2,2 tấn, thu lời được hơn 20 triệu đồng so với tình hình hiện nay là khá, còn hộ của Ông Hậu dự báo sẽ lời nhiều hơn vì kích cở đã 40 con/kg, đang nuôi chờ giá cao mới bán.

 Theo Ông Trần Thanh Diên - Chủ tịch Hội Nông dân Xã Bình Khánh: Thời gian qua nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ tôm, tình hình dịch bệnh, giá cả thấp nên chưa mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho nông dân trên địa bàn. Với sự hỗ trợ của Khuyến nông chuyển giao giống, thức ăn cho bà con; đồng thời hỗ trợ tư vấn kỹ thuật sản xuất theo GAP đã giúp nông dân sản xuất ra những sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, đây là nguồn động viên rất đáng quý đối với nông dân. Với kết quả thực hiện mô hình trên địa bàn, tôi thấy để thành công trong việc chuyển giao, đầu tiên là phải chọn con giống tốt nhất, giá thức ăn phải kiếm được những công ty hỗ trợ giá gốc và thả nuôi đúng thời vụ. Thời gian tới đề nghị Trung tâm Khuyến nông quan tâm hơn đến vấn đề này để mô hình chuyển giao đạt kết quả hơn nữa.

Phát biểu tại buổi lượng giá, Bà Lê Thị Thúy Ái - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chúng tôi rất cảm ơn bà con nông dân đã nhiệt tình tham gia mô hình, đã tuân thủ nuôi tôm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; cảm ơn ban ngành địa phương đã quan tâm hỗ trợ, đồng hành với chúng tôi trong các hoạt động chuyển giao mô hình khuyến nông tại địa phương. Tôi rất chia sẻ với bà con nông dân về tình hình nuôi tôm năm 2023 nhìn chung gặp nhiều điều kiện không thuận lợi và giá thành thấp. Đây là tình hình chung của khu vực. Trong khi đó, Cần Giờ điều kiện sản xuất không thuận lợi như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có lợi thế gần thị trường tiêu thụ lớn nên sản xuất vẫn có thể cạnh tranh được. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thay đổi cách làm trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân như quan tâm hơn đến công tác chuyển giao giống, chuyển giao đúng thời vụ. Hiện chúng tôi đang bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật mở rộng các loại hình chuyển giao hơn nữa trên địa bàn, hướng tới sẽ gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch. Khuyến nông sẽ luôn đồng hành gắn bó với bà con nông dân và địa phương để hợp tác phát triển trong thời gian tới.


Trúc Minh
Trung tâm khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng